Thêm phương pháp xét nghiệm mới để phát hiện khẳng định SARS-CoV-2

NDO -

Phương pháp Gene Xpert được sử dụng để xét nghiệm vi khuẩn lao với độ đặc hiệu và độ nhạy rất cao trong mạng lưới phòng chống lao Việt Nam từ năm 2012 vừa được Bộ Y tế cấp phép là phương pháp mới để phát hiện khẳng định nCoV.

Thêm phương pháp xét nghiệm mới để phát hiện khẳng định SARS-CoV-2

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bản chất của xét nghiệm này cũng là rRT-PCR nhưng ưu việt hơn khi hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động, con người can thiệp vào rất ít, chủ yếu là khâu lấy mẫu và kết quả sẽ có trong vòng 35-45 phút. 

“Test này có thể khẳng định được chính xác sự hiện diện của virus trong cơ thể, giống rRT-PCR nhưng nhanh hơn và tự động hoàn toàn từ quy trình tách chiết, trộn đến phân tích. Nhân viên y tế cũng đã được tập huấn đầy đủ, nhuần nhuyễn trong vận hành máy để xét nghiệm cho người nghi ngờ”, BS Nhung cho hay. 

Hệ thống xét nghiệm này đã được chương trình Chống lao Quốc gia trang bị nhiều địa phương và nhân lực cũng đã thực hiện nhiều xét nghiệm này để sàng lọc người mang virus lao. 

Dự kiến ngày 15-8, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ nhập 16 nghìn test từ Thuỵ Điển để sử dụng cho hệ thống Gene Xpert. Sau đó, bệnh viện và sẽ phân bổ ưu tiên cho các điểm nóng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... để xét nghiệm nCoV. Các địa phương khác cũng được tập huấn để thực hiện xét nghiệm này.

Với việc đưa phương pháp này vào sử dụng, song song với phát hiện nhanh bệnh nhân Covid-19, chúng ta có thể phát hiện ra những người mắc lao phổi, góp phần sớm chấm dứt bệnh lao trong cộng đồng.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 200 máy xét nghiệm Gene Xpert, trong đó có 28 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp hai theo yêu cầu của nhà sản xuất. Đà Nẵng hiện có ba máy xét nghiệm Gene Xpert, trong trường hợp cần thiết, có thể đem máy từ Hà Nội vào hỗ trợ thực hiện công tác xét nghiệm.

Thêm phương pháp xét nghiệm mới để tìm người nhiễm virus SARS-CoV-2 -0
 

Trước đó, việc triển khai test nhanh trên diện rộng đã để lọt nhiều ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng. Để đối phó với dịch Covid-19 đang bùng phát, nhiệm vụ số một là phải phát hiện kháng nguyên, tác nhân gây bệnh, tức virus SARS-CoV-2 ở những người đi về từ Đà Nẵng.

Vì thế, kỹ thuật cần dùng duy nhất là rRT-PCR. Kỹ thuật Realtime-RT-PCR là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực (viết tắt là: rRT-PCR). Đây là một kỹ thuật theo nguyên lý khuếch đại gien đã được nhiều nước làm trên thế giới. Tuy nhiên kỹ thuật này khá tốn kém và tốn nhiều thời gian. 

Một trong những giải pháp được đưa ra hiện nay và Đà Nẵng đang triển khai là thực hiện trộn (pool) mẫu để làm xét nghiệm rRT-PCR nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2, nhờ đó mà thúc đẩy được việc tốc độ làm xét nghiệm cho nhân dân trong thành phố.

Ngày hôm qua, tại cuộc họp giao ban với các bệnh viện, GS, TS Nguyễn Thanh Long – quyền Bộ trưởng Y tế đã yêu cầu Cục Y tế dự phòng khẩn trương hoàn thành hướng dẫn trộn mẫu (pool) để giải toả lượng mẫu cho các đơn vị xét nghiệm.

Theo quyền Bộ trưởng, các đơn vị cần chuẩn bị sẵn nhân lực lấy mẫu xét nghiệm. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Khoa học Công nghệ yêu cầu các trường y dược trên toàn quốc phải tập huấn về cách thức lấy mẫu và phương thức dự phòng lây nhiễm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập huấn trực tuyến toàn quốc việc cách thức lấy mẫu xét nghiệm và cả phương thức dự phòng lây nhiễm và cả việc trộn mẫu đúng quy trình. 

Trong thời gian chờ test mới Gene Xpert, bác sĩ khuyến cáo người có kết quả test nhanh âm tính tuyệt đối không được chủ quan, cần phải tuân thủ nghiêm túc việc cách ly đủ 14 ngày. 

Phương pháp Gene Xpert là kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử mang tính đột phá đối với nền y tế thế giới nói chung và chẩn đoán bệnh lao nói riêng. Phương pháp này cho phép xác định được vi khuẩn lao với độ đặc hiệu và độ nhạy rất cao. 

Do sử dụng hệ thống máy móc hiện đại nên xét nghiệm có thực hiện hết sức đơn giản, trả kết quả trong thời gian nhanh chóng và cho kết quả kép. Ngoài việc chẩn đoán có nhiễm lao hay không, xét nghiệm này còn cho biết có nhiều hay ít vi khuẩn. Đặc biệt, bệnh nhân có thuộc dạng lao kháng thuốc hay không (Rifamycin).

Thời gian trả xét nghiệm chỉ khoảng hai giờ, việc này có lợi ích rất lớn trong việc chẩn đoán sớm bệnh lao và lao kháng thuốc. Khi phát hiện và điều trị sớm thì khả năng khỏi bệnh cao hơn và hạn chế tối đa sự lây lan ra cộng đồng.

Phương pháp xét nghiệm này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng thực và được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia.

Dịch Covid-19 diễn biến nhanh, lây lan nhiều tỉnh, thành phố