Thay đổi “chiến thuật” để ngăn chặn dịch hiệu quả

Hiện nay, dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh tại một số địa phương ở nước ta. Ðể chủ động phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời và hiệu quả, ngành y tế đang tiến hành thay đổi “chiến thuật” trong công tác xét nghiệm, xác định đối tượng lây nhiễm, cách ly phù hợp cho một số nhóm tuổi.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Bộ Y tế cho biết, tính từ ngày 27-1 đến ngày 6-2, Việt Nam ghi nhận 398 người bệnh mắc Covid-19 tại cộng đồng thuộc 12 tỉnh, thành phố, gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Ðiện Biên, Bình Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Giang và TP Hồ Chí Minh. Các trường hợp mắc tại các địa phương đều có liên quan ổ dịch tại tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Ðáng chú ý, thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) cho biết, kết quả giải trình tự gien vi-rút SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của các người bệnh cho thấy, có 11 trong số 16 mẫu có trình tự gien tương tự vi-rút B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh (tháng 12-2020). Biến chủng B.1.1.7 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Hiện, biến chủng này đã xuất hiện tại hơn 60 nước trên thế giới (tính đến ngày 17-1).

Phân tích đặc điểm chủng mới nêu trên, PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh  dịch  tễ T.Ư cho biết: Chủng vi-rút mới từ Anh có tốc độ lây lan rất nhanh, khả năng bám dính ở tế bào người rất mạnh, tốc độ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn. Chủng vi-rút ở Ðà Nẵng khả năng lây nhiễm thấp, chu kỳ lây truyền dài,  đồng nghĩa với việc khả năng lây từ người này sang người khác thấp và ít có trường hợp từ một ca lây sang nhiều ca khác như so với chủng vi-rút mới từ Anh đang có ở Việt Nam. Do vậy hiện nay, nếu muốn khống chế được dịch lây lan nhanh tại cộng đồng thì việc truy vết, khoanh vùng ca bệnh là một trong những điều kiện sống còn, bởi nhờ đó mới có thể phát hiện và cách ly ngay lập tức. Ðể “chiến thắng” tốc độ lây lan của vi-rút, việc truy vết phải bảo đảm các yếu tố, như: tốc độ truy vết, tốc độ khoanh vùng, tốc độ xét nghiệm. Kể từ khi phát hiện các trường hợp đầu tiên lây nhiễm ở cộng đồng tại TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), huyện Vân Ðồn (Quảng Ninh), ngành y tế, các cơ quan chức năng đã triển khai các đội truy vết không kể ngày đêm xác định các trường hợp tiếp xúc người bệnh, lên danh sách chuyển ngay về các địa phương để tổ chức cách ly. Các thông tin truy được đến đâu chuyển ngay cho địa phương đến đó, nhờ vậy, phát hiện ra nhanh các ca bệnh đều là những người đang được cách ly tập trung, giúp giảm khả năng lây ra cộng đồng.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trước diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của chủng biến thể SARS-CoV-2, đòi hỏi phải thay đổi chiến lược để ngăn chặn sự lây lan, bùng phát dịch Covid-19 tại cộng đồng. Trước hết, Bộ Y tế sẽ thực hiện việc gộp mẫu xét nghiệm. Trước đây trong đợt dịch tại Ðà Nẵng, Bộ Y tế cho phép gộp năm mẫu trong một lần xét nghiệm, nhưng hiện nay do nhu cầu cần xét nghiệm diện rộng tại Quảng Ninh, Hải Dương, cho phép gộp từ 10 đến 16 mẫu trong một lần xét nghiệm. Nhóm mẫu nào có trường hợp dương tính sẽ lập tức cách ly toàn bộ gia đình và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lần thứ hai để xác định ca dương tính.

Do đặc tính vi-rút nhân lên rất nhanh, phát tán mầm bệnh nhanh hơn, cho nên cần thay đổi phương thức cách ly với nhóm trẻ em. Bộ Y tế đề nghị các địa phương phân nhóm trẻ em. Nhóm dưới năm tuổi thực hiện cách ly tại nhà nghiêm ngặt, với phương châm mỗi trẻ có một người lớn khỏe mạnh trông kèm, trong gia đình không có người già, người mắc bệnh nền. Nhóm sáu tuổi trở lên có thể áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung. Theo đó, trẻ sẽ được cách ly tập trung bảy ngày đầu và lấy mẫu vào các ngày 1, ngày 3 và ngày 7. Khi có kết quả âm tính, trẻ sẽ được cách ly tại nhà theo quy định nghiêm ngặt, với sự giám sát của chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu đi lại sẽ tăng đột biến, PGS, TS Trần Ðắc Phu, Cố vấn cấp cao Trung tâm Ðáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) khuyến cáo: Người dân khi về quê ăn Tết cần tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế), vì nguy cơ dịch vẫn rất lớn, chứ không chỉ nguy cơ ở các ổ dịch.