Lai Châu nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở

Tỉnh Lai Châu tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã thực hiện tốt việc đầu tư cơ sở hạ tầng tuyến y tế cơ sở, bổ sung hệ thống máy móc và trang thiết bị phù hợp, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của đồng bào các dân tộc, giảm số ca bệnh phải chuyển tuyến. Thí dụ như huyện biên giới Phong Thổ hiện có 13 trong số 17 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực đạt chuẩn quốc gia.

Cán bộ Trạm Y tế Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đón tiếp người bệnh đến khám, điều trị. Ảnh: TRẦN TUẤN
Cán bộ Trạm Y tế Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đón tiếp người bệnh đến khám, điều trị. Ảnh: TRẦN TUẤN

Các trạm y tế chưa đạt chuẩn đang tiếp tục được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới. Các trang thiết bị thông thường được trang bị phù hợp với danh mục phê duyệt. Chất lượng khám, chữa bệnh ở địa phương được nâng lên, hơn 93% số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 95%... Cán bộ các trung tâm y tế đã làm chủ được phương tiện, khám và điều trị tốt cho người dân; nhiều kỹ thuật cao được triển khai như mổ nội soi ổ bụng, nội soi sản khoa, xương khớp, não.

Công tác đào tạo cán bộ, y sĩ, bác sĩ cũng được ngành y tế tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, Sở Y tế tỉnh cử nhiều y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng và dược sĩ đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Trước đây, người mắc bệnh hiểm nghèo cần xử lý kỹ thuật cao đều phải chuyển về tuyến Trung ương; nhưng nay nhờ hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên sâu, hầu hết người bệnh nặng đã được xử lý ngay tại chỗ. Thời gian tới, ngành y tế tỉnh Lai Châu sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế phù hợp, đáp ứng yêu cầu triển khai kỹ thuật mới mà Bộ Y tế phân tuyến cho cấp huyện, tỉnh.

* Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Sóc Trăng quán triệt, triển khai sâu rộng đến các cấp ủy đảng và chính quyền trong tỉnh về sự cần thiết, ý nghĩa, nội dung, mục tiêu thực hiện Ðề án mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Cùng với đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất cải tiến chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô đầu tư, dây chuyền sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Trong quá trình thực hiện, các ngành liên quan thường xuyên thông tin về các chính sách hỗ trợ và chủ động hướng dẫn, giúp các doanh nghiệp, chủ thể OCOP trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Ðến nay, 99 sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng (vượt hơn 200% so chỉ tiêu Ðề án đặt ra), trong đó 24 sản phẩm đạt hạng bốn sao và 75 sản phẩm đạt hạng ba sao. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP của tỉnh đều mở rộng được thị trường, tăng doanh thu, tạo cơ hội mới cho sản phẩm, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu.

Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 là phát triển mới và tiêu chuẩn hóa thêm 35 sản phẩm; trong đó có ít nhất năm sản phẩm đạt hạng năm sao cấp quốc gia. Tỉnh cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm tham gia thăng hạng từ ba sao lên bốn sao, từ bốn lên năm sao; đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động giới thiệu sản phẩm, các điểm bán sản phẩm OCOP và tiến hành xúc tiến thương mại.