Điều trị đột quỵ bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch

Thực hiện can thiệp nội mạch cho bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh.
Thực hiện can thiệp nội mạch cho bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh.

Trước đó, bệnh nhân này nhiều lần cảm thấy tê tay chân, chóng mặt và bị tai biến mạch máu não (TBMMN) nhẹ gây tê yếu nửa người phải nhưng sau đó tự phục hồi. Tại BV Đại học Y Dược, sau khi thực hiện siêu âm màu, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị thiếu máo não do hẹp động mạch cảnh hai bên cổ. Đến ngày 27-7, bệnh nhân K. đã hoàn toàn hồi phục và ra viện.

Nhiều nguyên nhân gây đột quỵ

Bác sĩ Trần Chí Cường, BV Đại học Y Dược, cho biết bệnh nhân Đ.N.K là một trong số ít trường hợp đã đến BV sớm khi TBMMN còn ở mức độ nhẹ nên các bác sĩ đã can thiệp kịp thời bằng điều trị đặt stent, hạn chế được những biến chứng nặng gây ảnh hưởng đến vận động do chứng TBMMN gây ra sau này.

Bác sĩ Phan Công Tân, Trưởng khoa Nội Thần kinh, BV Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh, cho biết TBMMN thường xảy ra ở bệnh nhân trên 50 tuổi. Tại BV Nhân dân Gia Định, mỗi năm có khoảng 1.000 bệnh nhân nhập viện do nhồi máu não cấp nhưng hầu hết đều ở giai đoạn muộn. Trong đó 80% trường hợp bị thiếu máu não cục bộ do những bệnh như xơ vữa mạch, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiểu đường, hẹp động mạch cảnh và hẹp động mạch não, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, đa hồng cầu. Đối với những bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não, nguyên nhân thường do tăng huyết áp, vỡ túi phình mạch máu não hoặc dị dạng mạch máu não có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đột quỵ thường xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, tuy nhiên vẫn có trường hợp xảy ra ở những người độ tuổi 30 với diễn tiến âm thầm. Những tình huống này, thầy thuốc thường nghĩ đến nguyên nhân do dị dạng mạch máu não gây vỡ mạch máu.

Thông mạch máu não bằng stent

Việc điều trị đột quỵ tùy theo nguyên nhân và tùy theo giai đoạn bệnh. Hầu hết những trường hợp đột quỵ thường nhập viện ở giai đoạn rất trễ, khi bệnh đã để lại những di chứng nặng nề như liệt nửa người và không trở lại làm việc được bình thường. Bác sĩ Trần Chí Cường khuyến cáo khi bệnh nhân phát hiện những triệu chứng sớm, nên đến bác sĩ để được điều trị, phòng ngừa TBMMN.

Bên cạnh việc điều trị nội khoa bằng thuốc tan huyết khối cho những bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu não trong ba giờ đầu, hiện nay còn có chỉ định đặt stent để ngăn ngừa những cơn tai biến lặp lại cho bệnh nhân. Trước đây, các bác sĩ áp dụng phương pháp mổ hở để bóc lớp nội mạc mạch cảnh, tuy nhiên phương pháp này gây xâm lấn và không được chỉ định cho những trường hợp kèm theo bệnh tim mạch, lớn tuổi hoặc vị trí mạch máu bị hẹp ở quá cao hoặc quá sâu. Trong những trường hợp bệnh nhân hẹp động mạch cảnh và động mạch não trên 80% thì được chỉ định đặt stent. Nếu những bệnh nhân này không điều trị thì 40% trong số đó có nguy cơ bị TBMMN.

Đến nay, BV Đại học Y Dược đã điều trị cho hơn 200 bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp bị TBMMN.

Phòng ngừa sớm những cơn đột quỵ

Trung bình 45 giây có 1 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não và cứ 3 phút trôi qua thì có 1 người chết do tình trạng này. Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch và bệnh ung thư

Những người trên 50 tuổi nên tầm soát bằng siêu âm động mạch cảnh mỗi năm một lần để phát hiện tình trạng tắc nghẽn mạch máu để được can thiệp kịp thời. Ngoài ra, để phòng ngừa những cơn đột quỵ, bệnh nhân nên hạn chế những yếu tố nguy cơ bằng cách không hút thuốc lá, tránh béo phì, điều trị tốt bệnh cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu...

Hoặc bệnh nhân nên chẩn đoán sớm những cơn thiếu máu não thoáng qua với những triệu chứng sớm thường gặp như tê yếu tay chân, tối sầm mặt mũi khoảng 10 phút, thỉnh thoảng cầm đũa rớt hoặc không mang dép được, vào buổi sáng sau khi ngủ dậy không cầm lược được hoặc đột ngột nói chuyện ngọng...