Các tỉnh biên giới phía bắc chủ động ứng phó với cúm A(H7N9) trên người

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc; thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-2-2014 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và Công điện của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A(H7N9) và các chủng vi-rút cúm từ gia cầm lây sang người, UBND các tỉnh biên giới phía bắc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn cần tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có nhằm chủ động ứng phó với cúm A(H7N9) một cách có hiệu quả.

Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn kiểm tra thân nhiệt khách xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: HÙNG TRÁNG
Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn kiểm tra thân nhiệt khách xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: HÙNG TRÁNG

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai Bùi Thị Lộc cho biết: Tỉnh Lào Cai có hơn 200 km đường biên giới, với một cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia và nhiều lối mở trên đất liền và trên sông, suối tại năm huyện, thành phố là: Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và TP Lào Cai. Vì vậy, nguy cơ lây truyền vi-rút cúm A(H7N9) từ Trung Quốc vào Lào Cai là rất cao. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Bộ Y tế, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh, chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu giám sát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh đi từ vùng dịch vào Việt Nam; các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, cán bộ y tế, phòng cách ly để kịp thời xử lý và điều trị khi phát hiện có người bệnh mắc cúm A(H7N9)...

Giám đốc Bùi Thị Lộc cho biết thêm: Tại thời điển này, trung tâm đã triển khai đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị cần thiết tại năm điểm là cửa khẩu và các lối mở biên giới của tỉnh. Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai thường xuyên bố trí hai cán bộ có trình độ chuyên môn cao trực tại lối nhập cảnh, bố trí máy đo thân nhiệt từ xa nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ du khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào nội địa. Tại đây, còn lắp đặt hai màn hình cỡ lớn trong nhà liên ngành để thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về tác hại và các biện pháp phòng, chống cúm A(H7N9). Ðồng thời, bố trí phòng cách ly khẩn cấp với đầy đủ các trang, thiết bị cần thiết để kịp thời cách ly, sàng lọc, phân loại các đối tượng khi phát hiện bị nhiễm cúm A(H7N9), sau đó đưa về tuyến sau (Bệnh viện đa khoa 500 giường Lào Cai) xử lý, điều trị theo phác đồ quy định.

Ngoài ra, đơn vị tổ chức phun thuốc diệt khuẩn khu nhà liên ngành tại cửa khẩu đường bộ quốc tế Lào Cai bằng xe phun thuốc đặc chủng lưu động, một lần/tuần. Tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành, trung tâm đã lắp đặt một máy phun khử trùng tự động (phun dung dịch hóa chất Cloramin B 25%), thời gian phun 30 giây/xe, hoạt động liên tục trong thời gian mở cửa khẩu, nhằm sát trùng, khử khuẩn các phương tiện (chủ yếu là ô-tô tải) trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Lào Cai đã tiến hành kiện toàn, củng cố 21 đội phòng dịch tại chín huyện, thành phố; dự trữ tại kho cơ số hóa chất khử trùng, tiêu độc Cloramin B; sẵn sàng 12 máy phun đa năng chạy bằng động cơ nổ và sáu máy phun xách tay, phục vụ công tác phòng, chống cúm A(H7N9)...

CŨNG như tỉnh Lào Cai, tỉnh Lạng Sơn có hàng trăm km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Trong khi đó, theo thông báo mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc vừa thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H7N9) từ mẫu bệnh phẩm lấy từ gia cầm tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) là tỉnh tiếp giáp với Việt Nam, trong đó có tỉnh Lạng Sơn, là nơi có hai người bệnh trong tháng 1-2014. Phó Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn Hoàng Thị Hiền cho biết: Với mục tiêu là chủ động phòng, chống không để dịch xâm nhập và bùng phát trên địa bàn, ngành y tế đã thực hiện các biện pháp giám sát dịch, chuẩn bị khu cách ly, tiếp nhận và điều trị người bệnh, bảo đảm công tác hậu cần. Hiện nay, toàn tỉnh có thể huy động cùng một lúc 30 xe ô-tô phục vụ công tác phòng, chống cúm A(H7N9); 26 máy thở; hàng chục máy theo dõi người bệnh, máy tạo ô-xy, máy đo độ bão hòa ô-xy, máy xét nghiệm... cho bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Chuẩn bị 11 khu cách ly và điều trị tuyến mở rộng tại Bệnh viện Lao và 10 bệnh viện huyện trên cơ sở khoa truyền nhiễm các bệnh viện, với quy mô từ 10 đến 20 giường bệnh và chuẩn bị kế hoạch thiết lập một bệnh viện dã chiến tuyến II, ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, với quy mô từ 70 đến 100 giường bệnh...

Nói về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm cúm A(H7N9) của đơn vị, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Lạng Sơn, BS Ðoàn Thế Mỹ cho biết: Mặc dù bệnh viện còn thiếu phòng điều trị người bệnh, song bệnh viện vẫn dành ba phòng cách ly, với 10 giường bệnh tại khoa truyền nhiễm, cho công tác điều trị cúm A(H7N9), đồng thời ưu tiên dành các loại máy móc và thiết bị tốt như: máy thở, máy truyền dịch, máy tạo ô-xy... các loại phương tiện thuốc men dự phòng của bệnh viện sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cúm A(H7N9), theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế...

Tỉnh Quảng Ninh, cũng như các tỉnh biên giới phía bắc của nước ta là một trong những địa phương có lượng khách nhập cảnh từ Trung Quốc và giao thương hàng hóa qua các cửa khẩu rất lớn. Do vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, nhằm phát hiện sớm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng. Ðồng thời, chỉ đạo ngành y tế tập trung chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, cũng như tổ chức trực 24/24 giờ phục vụ phòng, chống dịch. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A(H7N9), cần tổ chức khám sàng lọc, cách ly và kịp thời triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Ðình Thi cho rằng: Là địa phương có hơn 70 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, TP Móng Cái (Quảng Ninh) được đánh giá tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch cúm A(H7N9) xâm nhập vào địa bàn. Trong khi đó, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái trung bình mỗi ngày có khoảng 900 lượt khách qua lại, vào những ngày cao điểm lên đến hơn hai nghìn người. Do vậy, chúng tôi đã cử cán bộ y tế của trung tâm thường trực 24/24 giờ tại các cửa khẩu; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trong nước, trong khu vực, đồng thời chủ động tăng cường các trang thiết bị quần áo phòng độc, thuốc khử trùng để chủ động và sẵn sàng ứng phó với cúm A(H7N9) một cách có hiệu quả...

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới: Tính từ tháng 3-2013 đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận 338 trường hợp mắc, trong đó có 66 trường hợp tử vong do cúm A(H7N9). Ðồng thời, chính quyền Trung Quốc đã xác nhận ba trường hợp mắc cúm A(H10N8) tại tỉnh Giang Tây, trong đó có hai trường hợp chết. Tại Ðài Loan (Trung Quốc), chính quyền cũng thông báo đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H6N1) đầu tiên trên người.

Trong khi đó, ngày 12-2-2014, Bộ Y tế Ma-lai-xi-a đã xác nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) đầu tiên tại nước này (người bệnh 67 tuổi, là khách du lịch đến từ Trung Quốc và sống tại tỉnh Quảng Ðông). Trước khi đến Ma-lai-xi-a, người bệnh đã bị sốt và đã được điều trị ban đầu. Tại Ma-lai-xi-a, người bệnh được nhập viện ngày 7-2-2014 và xét nghiệm dương tính với cúm A(H7N9).

- Tại Việt Nam, tính đến thời điểm này chưa phát hiện cúm A(H7N9), cúm A(H10N8), cúm A(H6N1).

(Nguồn từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)