Bộ Y tế thảo luận về chiến dịch tiêm vaccine

NDO -

Ngay sau khi nhập lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên về Việt Nam, Bộ Y tế đã họp giữa lãnh đạo Bộ Y tế với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vaccine phòng Covid-19.

Bộ Y tế thảo luận về chiến dịch tiêm vaccine

Các bên đã tiến hành trao đổi các nội dung liên quan việc tiêm chủng vaccine như cấp phép cho vaccine, đối tượng tiêm, truyền thông tiêm chủng và các vấn đề liên quan.

GS, TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Y tế bày tỏ sự cảm ơn  đối với những nỗ lực của chương trình COVAX Facility, tạo điều kiện để Việt Nam được tiếp cận sớm với nguồn vaccine phòng Covid-19.

Về đối tượng ưu tiên tiêm, các bên thống nhất sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận vaccine phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước xã hội chủ nghĩa. 

Đại diện các tổ chức quốc tế đồng ý với những trao đổi về việc một số vaccine bảo quản trong điều kiện khó khăn, phải huy động nguồn lực xã hội hoá như vaccine của Pfizer. Với vaccine của Pfizer, yêu cầu bảo quản ở âm 70 độ C và tiêm trong năm ngày sau khi rã đông, nên nếu không tiêm kịp trong thời hạn đó vì những lý do khách quan thì sẽ gây lãng phí. Thực tế tiêm vaccine này tại Mỹ cho thấy tỷ lệ không sử dụng ở mức cao.

“Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vaccine bảo đảm chất lượng, giá hợp lý, phù hợp, bảo quản như theo điều kiện của các vaccine thông thường mà Việt Nam đang có”,- Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, đồng thời cam kết Bộ Y tế sẽ giải quyết ngay các vấn đề liên quan tới thủ tục để bảo đảm vaccine của Chương trình COVAX Facility sớm được nhập vào Việt Nam. 

Về công tác truyền thông cho kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 mà các tổ chức quốc tế quan tâm, Bộ trưởng Y tế cho biết lãnh đạo Bộ đã giao các đơn vị chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với từng giai đoạn. 

Tại cuộc họp về tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 diễn ra ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với hơn 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, bảo đảm độ bao phủ, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch  Covid-19 đến đời sống.

Đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đã thảo luận các vấn đề như nguồn cung, thủ tục quy trình phê duyệt, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết phải huy động tổng lực ngành y tế. Theo đó, tất cả cơ sở y tế công lập sẽ tham gia vào quá trình tiêm chủng, đồng thời  huy động lực lượng sinh viên các trường y để tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động. 

Vấn đề bảo quản vaccine cũng được bàn bạc, rà soát kỹ. Hệ thống kho lạnh ở các khu vực đủ khả năng bảo quản vaccine, các thiết bị vận chuyển vaccine tới các trạm y tế, các điểm tiêm lưu động cũng bảo đảm. 

Thảo luận về đánh giá sau tiêm, các đại biểu nhấn mạnh bất cứ vaccine nào cũng không thể bảo đảm được độ an toàn 100%, nhất là vaccine phòng Covid-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi đánh giá phản ứng sau tiêm rất quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá này, nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm.

Bộ Y tế đã phân công tất cả các đơn vị tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng, quy trình tổ chức điểm, buổi tiêm, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo dõi sau tiêm và đánh giá hiệu quả của vaccine sau tiêm…

Cuộc đua vaccine Covid-19