14 tỉnh, thành phố đã bao phủ liều cơ bản cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi

Ngày 27/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.872 ca nhiễm mới, gồm năm ca nhập cảnh và 14.867 ca trong nước tại 59 tỉnh, thành phố. 

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi ngày 27/11/2021. (Ảnh: Duy Linh)
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi ngày 27/11/2021. (Ảnh: Duy Linh)

Thành phố Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều nhất, tiếp đến là các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp… Trong ngày có 11.374 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 204 ca tử vong tại 20 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hiện cả nước có 7.636 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, Bộ Y tế cho biết: Các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 11.218.402 liều, trong đó có 7.346.621 mũi một và 3.871.421 mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 80,7% và tỷ lệ bao phủ đủ hai liều vắc-xin là 42,5% dân số từ 12 đến 17 tuổi. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền bắc là 75,4% và 28,8%; miền trung là 69,2% và 26,7%, Tây Nguyên là 80,1% và 6,6%, miền nam là 91,3% và 70,8%. Các địa phương đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này là: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Sáng 27/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức mít-tinh Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2021, với chủ đề “Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ”, theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Phát biểu tại lễ mít-tinh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra tầm quan trọng của hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát bệnh truyền nhiễm. Trong thời điểm cộng đồng quốc tế khép lại năm 2020 đầy thách thức khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với Nghị quyết lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn. Tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ. Tổ chức tiêm vét vắc-xin, thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lưu động tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ. Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19. Toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hãy đi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn về việc giảm nguy cơ tử vong người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, các ca nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời. Người bệnh đến khám, chữa bệnh phải sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vắc-xin Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu vào viện). Các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí, sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao; người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19… Sở Y tế yêu cầu, tất cả các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch, bảo đảm người bệnh được chuyển cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất; sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.

Chiều 27/12, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định thành lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 1.000 giường bệnh tại Trại giam Cái Tàu, thuộc Cục C10, Bộ Công an. Khu điều trị có chức năng tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị bệnh Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ, phạm nhân tại Trại giam Cái Tàu, được phân bổ thành ba khu vực tại ba phân trại: Phân trại số một ở ấp 6 (xã Khánh An, huyện U Minh), với 500 giường bệnh; phân trại số hai tại ấp Bảy Ghe (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) với 400 giường bệnh; phân trại số ba ở ấp 17 (xã Khánh An, huyện U Minh) với 100 giường bệnh. Các khu điều trị sẽ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Sở Y tế hoặc Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh ■