Xe khách chở hàng trên khoang hành khách, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn

NDO -

Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, liên tiếp xảy ra bốn vụ cháy xe giường nằm và xe khách. Ngoài nguyên nhân dễ xảy ra cháy cao nhất là do chập điện thì các nhà xe vì lợi nhuận, bất chấp sự an toàn của hành khách để nhận chở hàng hoá tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao trong khoang hàng lý và cả khoang chở khách.

Xe khách chở hàng trên khoang hành khách, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn

Ngày 10-6, tại đèo Gió (Bắc Kạn), một xe ô-tô giường nằm đang leo đèo bỗng bốc cháy, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy là do chập điện. Ngày 18-6, xe khách chạy trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai bốc cháy tại đoạn qua huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Tiếp đó, ngày 20-6, xảy ra liên tiếp hai vụ cháy xe giường nằm tại cầu Nguyệt Viên (Thanh Hóa) và đường Vành đai 3 (Hà Nội). May mắn cả bốn vụ việc đều không có thương vong về người.

Trang bị của các dòng xe khách, đặc biệt xe giường nằm hiện nay chứa rất nhiều vật liệu dễ cháy như xốp cách nhiệt, đệm mút, chăn, gối..., hệ thống giường đệm san sát nên khả năng cháy lan rất cao. Do thiết kế đặc thù, hầu hết các xe giường nằm chỉ có một cửa lên xuống nên việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn thêm khó khăn.

Với những lý do trên, có thể thấy rằng, các nhà xe phải chú ý cao đến công tác bảo trì, bảo dưỡng để phòng cháy và phải trang bị búa thoát hiểm, hướng dẫn hành khách cách thoát hiểm khi xảy ra cháy. Ngoài nguyên nhân chủ xe tự ý lắp thêm thiết bị điện, gây quá tải cho hệ thống điện, dẫn đến chập cháy thì một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao là việc các xe khách lại nhận chở hàng hoá dễ cháy.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: Đưa hành khách, hàng hoá vận tải đường bộ lên xe lưu ý đặc biệt đến vận chuyển hàng hoá dễ cháy nổ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn hành vi vận chuyển vật liệu dễ cháy nổ trên xe khách, vận tải thương mại bảo đảm an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ, tránh hệ luỵ đến an ninh trật tự và an toàn cho hành khách trên xe.

Theo điều tra của phóng viên Nhân Dân điện tử, hiện nay, đa số các xe khách, xe giường nằm chạy tuyến cố định đều nhận chở hàng hoá cho các đầu mối kinh doanh trên địa bàn tuyến xe đi qua. Đáng chú ý, vì lợi nhuận, nhiều xe còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bất chấp sự an toàn, tính mạng của hành khách khi chở hàng hoá dễ cháy, nổ trong khoang hành lý, thậm chí cả trong khoang hành khách. Đơn cử như nhà xe Tân Anh (tỉnh Kon Tum) chạy tuyến cố định Kon Tum - TP Hồ Chí Minh thường xuyên chở hàng hoá, thiết bị điện tử… được bao bọc bởi những vật liệu dễ cháy nổ như bìa các-tông, miếng mút, xốp… Thậm chí, số hàng hoá ngoài đặt trong khoang hành lý còn được nhà xe này chất lên khoang hành khách, trên giường nằm, lối đi trên xe, được che chắn bằng các tấm ri-đô tại giường nằm và các tấm nệm mút.

Theo hành khách N.T.P.T, ngụ phường Quang Trung, TP Kon Tum: "Tôi thường xuyên đi xe Tân Anh tuyến từ TP HCM về Kon Tum, trả tiền vé gần gấp đôi vé xe giường nằm bình thường nhưng mà xe chạy với dịch vụ như thế này tôi cảm thấy rất nguy hiểm, không xứng đáng với số tiền tôi bỏ ra. Đôi khi xe thắng đột ngột, hàng hoá để ở đường luồng trên khoang hành khách trôi tuột theo, tạo những tiếng động dễ sợ, nguy hiểm và rất mất an toàn. Đã vậy xe còn không chạy theo tuyến cố định để vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá, làm mất thời gian để hoàn thành chuyến đi".

Đáng chú ý là mặc dù thường xuyên chở hàng hoá trên khoang hành khách nhưng nhà xe Tân Anh nói trên không gặp phải kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Kon Tum và các địa phương trên tuyến đường đi qua. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan trên cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng cần tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra công tác vận tải hành khách nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên đường và tính mạng của hành khách trên xe.

Theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP Xử phạt người điều khiển xe ô-tô chở hành khách, ô-tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ:

3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Sắp xếp, chằng buộc hành lý, hàng hóa không bảo đảm an toàn; để rơi hành lý, hàng hóa trên xe xuống đường; để hàng hóa trong khoang chở hành khách;"
Thế nhưng có thể mức phạt trên còn thấp, chưa đủ tính răn đe và vì lợi nhuận, nhiều nhà xe vẫn cố tình vi phạm.