Xây dựng chính sách sinh kế phù hợp cho người cao tuổi

NDO -

Hiện cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86%. Theo dự báo, trong 10 năm nữa, người cao tuổi (NCT) sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%. Điều kiện sống ngày càng được cải thiện, tuổi thọ của người dân càng cao. Tuy nhiên, điều đó cũng gây sức ép đáng kể cho sự nghiệp an sinh xã hội, mặc dù 70% NCT ở Việt Nam vẫn tiếp tục lao động kiếm sống.

Bác Nguyễn Thượng Hiền, một người cao tuổi, tham gia phát triển kinh tế gia đình qua việc nuôi ong ở huyện Sơn Động, Bắc Giang (Ảnh minh họa: UNFPA Việt Nam/Nguyễn Minh Đức).
Bác Nguyễn Thượng Hiền, một người cao tuổi, tham gia phát triển kinh tế gia đình qua việc nuôi ong ở huyện Sơn Động, Bắc Giang (Ảnh minh họa: UNFPA Việt Nam/Nguyễn Minh Đức).

Áp lực sinh kế người cao tuổi

Một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động số NCT ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn. Theo thống kê, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có bảy lao động làm việc trong khu vực phi chính thức.

Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay, rất nhiều NCT vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.

Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, nhiều người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn có sức khỏe rất tốt. Họ mong muốn được tiếp tục đi làm, tinh thần vừa vui vẻ đồng thời có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Nhưng mặt khác, một bộ phận không nhỏ NCT không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống...

Xây dựng chính sách sinh kế phù hợp cho người cao tuổi -0
Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi (Ảnh: Chí Tâm). 

Tại Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi do Tạp chí Lao động Xã hội và Cục Bảo trợ xã hội phối hợp tổ chức ngày 3-11, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động Xã hội, TS Trần Ngọc Diễn, cho biết, để NCT tìm được công việc phù hợp lại không phải dễ dàng, trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. 

Hiện, người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Với người lao động từ 50 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già... Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn. 

Đặc biệt, vừa qua, do tác động của đại dịch Covid-19 khiến cho cuộc sống của người cao tuổi lại càng khó khăn hơn, nhiều người cao tuổi bị mất sinh kế, thu nhập giảm sút nghiêm trọng.

Chính vì vậy, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay, được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Cần chính sách phù hợp 

Báo cáo chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số và kết quả tham vấn năm 2020 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), kết quả nghiên cứu về thực trạng tham gia hoạt động kinh tế của NCT từ tháng 6 đến tháng 8-2020 tại ba địa phương tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy, 40-45% NCT tham gia hoạt động kinh tế. Trong số những NCT tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi... đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn NCT tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Như tại huyện Thanh Miện (Hải Dương), có 22.596 NCT trên tổng dân số là 136.000 chiếm khoảng 16%, độ tuổi 60-69 chiếm 67%, tuổi thọ bình quân là 74,8;  Có khoảng 40-50% NCT vẫn tham gia hoạt động kinh tế và có tới 1/2 vẫn là  chủ kinh tế hộ (chủ yếu đố tuổi 60-69). Trong đó, 230 NCT là chủ các trang trại, thu hút nhiều lao động. Trừ những người sức khỏe quá yếu, còn lại hầu hết NCT để tham gia làm việc nhà như đưa cháu đi học, đón cháu về, làm việc nhà. Bên cạnh đó, NCT đã tham gia nhiều hoạt động xã hội như tham gia xây dựng chương trình nông thôn mới...

TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam, cho rằng, không phải tất cả NCT đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những NCT làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định. Nhưng đối với nhóm NCT còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, như NCT thu nhập thấp, NCT thuộc diện nghèo sống độc lập,  người cao tuổi cư trú ở các  xã đặc biệt khó khăn…, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho họ. Cũng cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế đối với NCT với chính sách với người dân có độ tuổi thấp hơn độ tuổi của NCT. Chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ khác với chính sách hỗ trợ NCT ở vùng đồng bằng/ thành thị...

Theo đó, cần có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội Người cao tuổi cấp xã để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. Chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú. Chính sách miễn giảm phí tham gia các khóa học về khuyến nông- khuyến lâm - khuyến ngư để nâng cao nhận thức - kỹ năng sản xuất kinh doanh phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú. Chính sách bảo hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong trường hợp họ gặp rủi ro, đặc biệt là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh thông qua chính sách trợ cấp bù đắp thiệt hại...

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp NCT tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu, bảo đảm thực hiện quyền sống độc lập cũng như các quyền khác của NCT. Do vậy, Nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách này cho NCT phù hợp với bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước và tình hình thực tế của NCT.

* Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở (4-2019) của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 11,4 triệu NCT, chiếm khoảng 11,86% dân số. 

Trong đó, có hơn 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm khoảng 16,5% tổng dân số NCT); có 5,83 triệu NCT nữ và 5,57 triệu NCT là nam giới; có 7,29 triệu NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64,4%).

Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao hơn tỷ lệ nghèo chung của cả nước (8,09% so với 4%). Tỷ lệ NCT tham gia hoạt động kinh tế khoảng 40-45%...

Phần lớn NCT nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. ỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%). 

Số lượng NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng. 

Hiện nay, khoảng 70% NCT Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; hơn 70% NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.