Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, khu vực miền bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa, sương mù vào sáng sớm, vùng núi Bắc Bộ vẫn có mưa rào và dông, đề phòng tố lốc, gió giật mạnh. Dự báo đến ngày 17-4, một đợt không khí lạnh yếu sẽ tràn xuống gây mưa dông, kéo nền nhiệt giảm. Tại TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ vẫn có mưa chuyển mùa nhưng giảm về lượng, nắng nóng tiếp tục duy trì. Đáng chú ý, xâm nhập mặn tăng từ nay đến 15-4.

* Từ nay đến cuối tháng 4, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại các cửa sông Cửu Long xu thế này tiếp tục giảm trong khi sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn vẫn duy trì ở mức cao. Sang tháng 5, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long giảm dần. Đợt mặn từ ngày 12 đến 15-4, các địa phương cần hạn chế tưới nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất, đồng thời có các biện pháp trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt.

* Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, do vẫn còn ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên mùa mưa năm nay tại miền nam, sẽ đến sớm hơn mọi năm từ 2-3 tuần. Việc mùa mưa đến sớm đã giúp TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía nam trải qua một mùa hè dễ chịu nhất trong nhiều năm qua, với mức nhiệt trung bình giảm từ 38 đến 39oC vào đầu tháng 3 xuống khoảng 36 đến 37oC, thấp nhất 35oC trong những ngày qua và dự kiến sẽ duy trì mức nhiệt này đến hết tháng 4. Tuy nhiên, mùa mưa tại miền nam đến sớm nhưng cũng có khả năng sẽ ngắn hơn mọi năm; lượng mưa cả năm được dự báo sẽ thiếu hụt so với trung bình các năm trước. 

* Tại tỉnh Lai Châu, mưa kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại nhiều nhà dân trên địa bàn, trong đó tại xã biên giới Hua Bum, huyện Nậm Nhùn bị thiệt hại nặng. Các lực lượng tại chỗ đã hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại, sửa chữa nhà cửa. Huyện Nậm Nhùn đã thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đêm, các lực lượng đã có mặt ở bản giúp các hộ gia đình có nhà bị thiệt hại di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn; đồng thời tổ chức tuyên truyền để người dân chủ động gia cố nhà cửa trước cảnh báo vẫn có mưa đá, gió lốc.

* Tại huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) có khoảng 340 ha lúa đang đối mặt với tình trạng khô hạn. Nguyên nhân theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam, nước từ sông Vu Gia trước khi về đến trạm bơm Ái Nghĩa sẽ chảy qua ngã ba sông Quảng Huế. Trước đây, khi có đập Quảng Huế ngăn lại, sẽ dồn được nước về trạm bơm. Tuy nhiên, trận lũ lớn vào năm 2020 đã khiến đập Quảng Huế bị hư hỏng, dòng chảy bị phân ra làm hai, dẫn đến nước về nhánh sông Vu Gia ít đi, không đủ tưới.

* Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh Bến Tre đã thực hiện phương châm “thuận thiên”, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt. Theo đó, tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Đến nay, dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; cùng một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP Bến Tre. Được biết, những năm qua, tỉnh đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng, với khoảng 194.800 ha đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn. 

* Tỉnh Yên Bái có hơn 433 nghìn ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 245 nghìn ha. Hiện Yên Bái đang tích cực triển khai các biện pháp cấp bách để phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc chính quyền các địa phương, các chủ rừng thực hiện phương án  PCCCR  theo phương châm “bốn tại chỗ”; chỉ đạo các hạt kiểm lâm tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR tới các hộ dân; hướng dẫn người dân đốt nương và đốt nương có kiểm soát cũng như việc sử dụng lửa trong thời điểm khô hanh kéo dài... 

* Huyện Na Hang (Tuyên Quang) có tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 49 nghìn ha. Năm 2021, Hạt Kiểm lâm huyện đã đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR  và phát triển rừng. Kết quả đã tổ chức  bốn cuộc tuyên truyền Luật Quản lý bảo vệ rừng, PCCCR cho gần 784  lượt người, vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng. Đồng thời phối hợp Ban Chỉ huy quân sự huyện và chính quyền các xã, thị trấn tổ chức các đợt diễn tập PCCCR.

* Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh (hơn 44.500 ha) đã có gần 41 nghìn ha có nguy cơ cháy từ cấp độ III đến cấp độ V. Trong đó, cảnh báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm) là hơn 19.480 ha và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) là gần 8.000 ha. Hiện công tác PCCCR đang được các đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đồng thời kịp thời phát hiện để xử lý đám cháy từ sớm để dập tắt, nếu có cháy cũng không để xảy ra cháy lớn.

Có 71 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, cả nước có 71 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố ven biển đủ điều kiện hoạt động. Các khu neo đậu này có thể tiếp nhận tàu cá có chiều dài từ 15 m đến 60 m vào tránh trú bão. Trong đó, có ba khu neo đậu có sức chứa 2.000 tàu cá; 12 khu neo đậu cho tàu cá tránh trú bão có sức chứa từ 1.000 tàu đến dưới 2.000 tàu. Bộ NN&PTNT  yêu cầu, trước ngày 1-2-2022, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiến hành rà soát, thống kê báo cáo về Bộ danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động để  công bố trên phạm vi cả nước.