Vá hơn 1.800 m2 lớp thảm mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng

NDO -

NDĐT - Cơ quan quản lý Nhà nước đã tiến hành sửa chữa, khắc phục tạm thời những hư hỏng, vá ổ gà mặt cầu Thăng Long nhằm bảo đảm phương tiện lưu thông êm thuận.

Vá hơn 1.800 m2 lớp thảm mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng

Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho thấy, đến thời điểm hiện tại, hơn 1.800 m2 bị ổ gà, hư hỏng trên mặt cầu đã được các đơn vị thi công xử lý xong.

Theo đó, đến hết tháng 5, Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục ĐBVN) đã chỉ đạo thực hiện vá ổ gà, cào bóc các vị trí trồi lún, hằn sâu trên mặt cầu nhằm bảo đảm an toàn giao thông với khối lượng hơn 1.300 m2. Trong những ngày từ 1 đến 10-6 vừa qua, do thời tiết nắng nóng, sau đó lại mưa to nên mặt cầu Thăng Long tiếp tục bong bật lớp thảm mặt cầu.

"Trong ngày 9-6 và rạng sáng 10-6, nhà thầu quản lý, bảo trì mặt cầu đường bộ cầu Thăng Long đã thực hiện xong việc vá ổ gà để bảo đảm an toàn giao thông trên mặt cầu này với khối lượng hơn 510 m2”, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Quản lý đường bộ 1 cho hay.

Theo ông Hà, từ tháng 1-2019 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 đã đôn đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 thực hiện việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên và bảo đảm an toàn giao thông trên mặt cầu Thăng Long.

“Việc sửa chữa những vị trí hư hỏng chỉ là giải pháp trước mắt bảo đảm êm thuận cho mặt cầu, an toàn giao thông. Về lâu dài, Tổng cục ĐBVN đang giao Ban Quản lý dự án 3 lập dự án, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long, trong đó có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước”, ông Hà thông tin thêm.

Trước đó, Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT nhận được nhiều phương án sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long của Nga, Đức, Nhật và đang xem xét, đánh giá để lựa chọn phương án.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, vào ngày 17-9-2018, một đoàn chuyên gia của Nga đã sang khảo sát hiện trạng cầu Thăng Long-Hà Nội. Đoàn chuyên gia sang khảo sát theo đề nghị từ phía Bộ GTVT vì trong đoàn này có một số chuyên gia đã từng tham gia xây dựng cầu, đặc biệt xử lý trực tiếp vấn đề dính bám giữa mặt cầu với kết cấu bê-tông nhựa.

Đề cập về số tiền sửa chữa cầu Thăng Long, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Số tiền sửa chữa cầu sẽ lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ”.

Trước đó, năm 2009, mặt cầu Thăng Long được tiến hành sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lớp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bê-tông nhựa SMA bị hư hỏng, sạt trượt, xô dồn, dẫn đến lớp bê-tông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.

Nguyên nhân được các cơ quan chức năng xác định là dính bám giữa lớp bê-tông nhựa SMA và lớp chống thấm trên bản thép không đạt yêu cầu, đồng thời hiện tượng nứt tạo thành khe cho nước thấm xuống cũng gây hư hỏng mặt cầu.

Ngoài ra, giữa lớp chống thấm và mặt thép cũng bong tróc, không bảo đảm kết dính.

Trong giai đoạn năm 2012-2013, Bộ GTVT thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê-tông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy trải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polymer và bê-tông nhựa polymer. Thế nhưng, sau một thời gian, có nhiều vị trí cũng bị hư hỏng trước khi hết bảo hành.

Từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 phải tổ chức duy tu bảo dưỡng thường xuyên đã sửa chữa cục bộ các vị trí bê-tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để bảo đảm giao thông.