Tiếp tục khắc phục hậu quả bão số 9

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia , hồi 13 giờ ngày 31-10, vị trí tâm siêu bão Goni ở khoảng 14,7 độ vĩ bắc; 127,7 độ kinh đông, cách miền trung Phi-li-pin khoảng 360 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (từ 200 - 220 km/giờ), giật hơn cấp 17.

Ðến 13 giờ ngày hôm nay (1-11), vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ vĩ bắc; 122,5 độ kinh đông, trên khu vực miền trung Phi-li-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (từ 135 - 165 km/giờ), giật cấp 17. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được từ 20-25 km, đi vào Biển Ðông. Ðến 13 giờ ngày 2-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ vĩ bắc; 117,2 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (từ 90 - 115 km/giờ), giật cấp 13. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được từ 15-20 km. Ðến 13 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ vĩ bắc; 113,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (từ 75 - 100 km/giờ), giật cấp 12. Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được từ 15 - 20 km.

* Hồi 15 giờ ngày 31-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN ban hành Công điện số 34/CÐ-TW điện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và các đơn vị liên quan về chủ động ứng phó với siêu bão Goni. Công điện nêu rõ, hiện nay siêu bão Goni đang hoạt động phía đông Phi-li-pin, dự báo di chuyển nhanh, 24 đến 48 giờ tới sẽ đi vào Biển Ðông. Ðể chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số: 1500/CÐ-TTg ngày 28-10-2020, 1503/CÐ-TTg ngày 29-10 và Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 30-10 của Văn phòng Chính phủ về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống người dân, kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn công trình xung yếu. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền. Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn…

* Ðể tiếp tục khắc phục hậu quả hoàn lưu sau bão số 9, mưa lũ khu vực miền trung, ngày 31-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tập trung khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do sạt lở đất tại các điểm sạt lở của tỉnh Quảng Nam, công trường thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế và hai tàu cá tỉnh Bình Ðịnh bị chìm ngày 27-10; tổ chức cứu chữa người bị thương và thăm hỏi động viên những gia đình bị mất người, mất nhà. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thực hiện nghiêm Công điện số 33/CÐ-TW của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai ngày 30-10 về tuần tra canh gác đê để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê ngay từ giờ đầu; kiểm tra rà soát các hệ thống đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công để triển khai phương án bảo vệ bảo đảm an toàn. Có phương án chủ động sơ tán người và tài sản, sẵn sàng bố trí lực lượng, vật tư triển khai ứng cứu khi có sự cố...

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, cho nên trong hôm nay (1-11), ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa to với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi hơn 250 mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

* Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cảnh báo, hôm nay (1-11), lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên có khả năng lên lại; đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông hơn báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên, nhất là tại các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Ðô Lương, Nghĩa Ðàn (Nghệ An); Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Ðức Thọ, Can Lộc (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình); Hướng Hóa, ÐaKrông (Quảng Trị); Nam Ðông, A Lưới, Phong Ðiền (Thừa Thiên Huế); Ðông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Ðại Lộc, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam); Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi). Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất: cấp 2.

* Ngày 31-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua thống kê sơ bộ cơn bão số 9 gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính 4.480 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là nhà cửa, cây trồng, các công trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, công trình công cộng thiết yếu, các tuyến đê biển, đê sông bảo vệ các khu dân cư… Ðể khắc phục hậu quả cơn bão, chính quyền các cấp trong tỉnh phối hợp với đoàn thể, các đơn vị liên quan đã huy động tổng lực khẩn trương giúp người dân sửa chữa nhà bị tốc mái, hư hỏng, tập trung khôi phục hệ thống lưới điện, hệ thống nước sinh hoạt và thu dọn vệ sinh môi trường. Trong những ngày qua, 850 công nhân ngành điện và gần 1.000 công nhân vệ sinh môi trường làm việc xuyên đêm. Nhờ vậy, đến chiều 31-10, toàn bộ khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi và tất cả các trung tâm huyện, thành phố, thị xã đã có điện trở lại; công tác vệ sinh cây xanh gãy, đổ trên tuyến phố ở TP Quảng Ngãi cũng đã hoàn tất. Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 100 cơ số thuốc y tế, 5.000 kg chloramin B bột, 50.000 viên aquatabs để khám, chữa bệnh cho nhân dân, tiêu độc khử trùng, xử lý ô nhiễm môi trường các vùng bị ngập lũ, phòng chống dịch bệnh. Ðồng thời, hỗ trợ 590 tỷ đồng, gồm: 20 tỷ đồng mua giống các loại chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021; 200 tỷ đồng giúp nhân dân khôi phục nhà ở, ổn định đời sống, khắc phục các công trình công cộng thiết yếu phục vụ dân sinh; hỗ trợ giống gia súc, gia cầm để tái đàn; khôi phục các công trình thủy lợi bị bồi lấp, sạt lở; 100 tỷ đồng khôi phục đường giao thông, cầu, cống; 270 tỷ đồng xây kè chống sạt lở bờ biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn và Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, thị xã Ðức Phổ.

* Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 31-10, bão số 9 đã khiến 28 người chết, 51 người mất tích. Trong đó, 47 người tại Quảng Nam (chết 23, mất tích 24 người); 23 người mất tích trên hai tàu cá tại Bình Ðịnh; chín người chết, mất tích ở các tỉnh Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và Ðắk Lắk.

 PV và CTV

Khẩn trương tiếp tế lương thực cho 3.000 hộ dân bị cô lập 

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành công văn về việc hỗ trợ tiếp tế lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho 3.000 hộ dân tại hai xã Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn Phòng không 372, lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương khảo sát, xây dựng phương án tiếp tế ngay bằng đường hàng không lương thực, nước uống, y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu khác bảo đảm trong thời gian 30 ngày cho số lượng người tại hai xã Phước Lộc, Phước Thành đang bị cô lập. Ðược biết, từ ngày 28-10 đến nay, do ảnh hưởng của bão số 9 trên địa bàn huyện Phước Sơn đã xảy ra sạt lở núi gây chia cắt giao thông, cô lập khoảng 3.000 hộ dân tại hai xã Phước Lộc, Phước Thành. Do bão, lũ quá lớn cho nên nhiều nhà dân tại hai xã này bị hư hại toàn phần, lương thực, gia súc, nhu yếu phẩm bị cuốn trôi. Trong khi đó, đoạn đường để di chuyển từ trung tâm huyện đến hai xã bị cô lập khoảng hơn 50 km bị chia cắt bởi các điểm sông, suối và sạt lở đất rất phức tạp; việc khắc phục các tuyến đường, cầu cống cần thời gian dài trong khi thời tiết thường xuyên mưa, lũ, nhất là bão số 10 sắp đến; khả năng lực lượng tại chỗ của tỉnh khó tiếp cận được nếu không có sự hỗ trợ chi viện của các lực lượng chức năng.

* Sáng 31-10, tại cuộc họp bàn phương án tiếp tế lương thực cho người dân hai xã Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), Thượng tá Lê Trung Thành - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Q uân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tiền phương tại Phước Sơn cho biết, cả hai phương án đường bộ và đường hàng không sẽ được triển khai để tiếp tế lương thực cho 3.000 hộ dân xã Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) đang bị cô lập. Khi thời tiết thuận lợi, việc cứu trợ bằng máy bay là rất cần thiết, sẽ là nguồn cứu trợ chính. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết hiện tại phải theo phương án gùi cõng hàng hóa bằng đường mòn vượt núi. Trên cả hai mũi tiếp cận xã Phước Lộc và xã Phước Thành, lực lượng công binh cùng tiểu đội tiền trạm sẽ đi trước khắc phục những điểm khó khăn trên đường rừng. Sau đó các đội gùi hàng của dân quân chia nhóm, đi theo từng đoạn để giữ sức. Lực lượng dân phòng địa phương am hiểu về đường đi, các điểm sạt lở cho nên sẽ đi những chuyến đầu, cắm cờ tại các điểm nguy hiểm, chuẩn bị sẵn dây cáp, ròng rọc để dân quân kéo hàng qua các điểm nguy hiểm. Sau khi đường đi an toàn sẽ tiếp tục huy động lực lượng bộ đội hành quân qua để tiếp cận, cứu trợ đồng bào vùng bị chia cắt. Trong ngày 31-10, tất cả lương thực, thực phẩm phải tập kết về xã Phước Công, Phước Kim. Sáng sớm 1-11 sẽ bắt đầu những chuyến gùi hàng đầu tiên.

* Chiều 31-10, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết, sức khỏe chín bệnh nhân bị thương nặng trong vụ sạt lở đất xảy ra ngày 28-10 tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đã dần hồi phục. Trước đó, ngày 29-10, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam tiếp nhận từ Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My chín bệnh nhân nặng trong vụ sạt lở đất được chuyển xuống điều trị.

Sáng 31-10, tàu kiểm ngư KN 467 đã đưa tàu cá BÐ 98658 TS cùng 11 thuyền viên cập cảng Ba Ngòi, TP Cam Ranh an toàn, tất cả các thuyền viên sức khỏe ổn định. Trước đó, tàu cá BÐ 98658 TS bị sự cố hỏng máy trong điều kiện biển động dữ dội do ảnh hưởng bão số 9, sau đó được tàu kiểm ngư KN 467 kịp thời cứu nạn, lai dắt vào bờ. Khi bị sự cố trên biển, tàu BÐ 98658 TS có 14 thuyền viên. Tiếp cận được tàu cứu nạn, ba thuyền viên của tàu BÐ 98658 TS tình nguyện ở lại tàu kiểm ngư để tiếp tục tìm kiếm thuyền viên của hai tàu Bình Ðịnh bị mất tích ngày 27-10.

Tìm kiếm các nạn nhân mất tích gặp nhiều khó khăn

Sáng 31-10, Trung tướng Thái Ðại Ngọc - Tư lệnh Quân khu 5 đã trực tiếp thị sát hiện trường vụ sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 9, công tác cứu hộ các nạn nhân bị mất tích tại xã Trà Leng hiện đang gặp nhiều khó khăn. Tư lệnh Quân khu chỉ đạo cho Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn áp dụng mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, bảo đảm an toàn về người và phương tiện; các cơ quan chức năng làm tốt công tác chính sách hỗ trợ gia đình nạn nhân, bảo đảm vệ sinh phòng dịch.

* Chiều 31-10, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sáng cùng ngày, do khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Ðiền) có mưa lớn cho nên lực lượng cứu nạn, cứu hộ buộc phải tạm dừng hoạt động tìm kiếm, rút về thủy điện Rào Trăng 4 để bảo đảm an toàn. Ðây là lần thứ ba lực lượng chức năng phải tạm dừng công tác tìm kiếm do ảnh hưởng của mưa, bão. Thời tiết bất lợi, địa hình hiểm trở khiến công tác tìm kiếm 12 nạn nhân còn mất tích ở khu vực sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 rất gian nan và khó khăn.

Nhiều hoạt động ủng hộ đồng bào miền trung 

Sáng 31-10, đoàn công tác Ban Dân vận T.Ư đã trao 47 suất quà, mỗi suất trị giá một triệu đồng cho người dân bị ảnh hưởng lũ lụt xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

* Sáng 31-10, MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị tiếp nhận 5 tỷ đồng của Tập đoàn NovaLand và 400 triệu đồng của Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia hỗ trợ tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả lũ lụt. Cùng ngày, đoàn công tác của TP Ðà Nẵng đã đến thăm, động viên và trao số tiền hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng giúp tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả
lũ lụt.

* Sáng 31-10, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã trao ủng hộ 400 triệu đồng cho Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam nhằm chung tay khắc phục hậu quả bão lũ. Chiều 30-10, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận 500 triệu đồng từ Công ty CP Ðạt Phương. Tính từ ngày 5 đến 30-10, Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Nam đã nhận được sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm với số tiền hơn 20,4 tỷ đồng.

* Sáng 31-10, Công ty TNHH Cơ khí và Thương mại Tiên Tiến đã ủng hộ tỉnh Quảng Ngãi 400 triệu đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiệt hại bão số 9. Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận 2.000 m tôn với tổng trị giá 200 triệu đồng do Tập đoàn Hoa Sen trao tặng các gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bão số 9.

* Ngày 31-10, đoàn công tác của tỉnh Ðắk Lắk đã lên đường đi thăm hỏi, cứu trợ bảy tỉnh miền trung và Tây Nguyên chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra. Theo đó, đoàn sẽ hỗ trợ các tỉnh Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 500 triệu đồng; riêng hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, hỗ trợ thêm mỗi tỉnh bảy tấn gạo…