Thận trọng khi xã hội hóa đầu tư lưới điện

Hiện nay, tổng công suất các dự án điện mặt trời (DAÐMT) đi vào vận hành thương mại đạt khoảng 4.500 MW, trong khi các DAÐMT đã được bổ sung vào Quy hoạch, công suất lên tới 13 nghìn MWp.

Các dự án tập trung chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, khiến lưới truyền tải điện (LTTÐ) quá tải, các nhà máy không thể phát hết công suất.

Trong quá trình nghiên cứu, bổ sung quy hoạch các DAÐMT ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bộ Công thương đã tính toán bổ sung cả các dự án đường dây truyền tải điện từ 110 kV đến 500 kV. Tuy nhiên, vì muốn được hưởng mức giá ưu đãi 9,35 US cent/kW giờ trước thời điểm ngày 30-6-2019, các DAÐMT đã triển khai quá nhanh trong thời gian ngắn, có dự án chỉ làm trong bốn đến sáu tháng đã xong. Trong khi đó, thi công đường dây 110 kV mất khoảng hai năm, đường dây 220 kV mất từ hai đến ba năm và đường dây 500 kV mất từ ba đến 5 năm, chưa kể thời gian giải phóng mặt bằng, cho nên đã xảy ra tình trạng thiếu đồng bộ giữa LTTÐ với các DAÐMT.

Theo tính toán, từ nay đến năm 2030, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải, mỗi năm cần đầu tư cho riêng LTTÐ khoảng ba tỷ USD. Ðây là con số rất lớn và ngành điện không kham nổi. Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất Chính phủ cho cơ chế để Tập đoàn Trung Nam đầu tư DAÐMT được bỏ vốn đầu tư đường dây và trạm biến áp 500 kV, sau đó bàn giao công trình cho ngành điện mà không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư.

Ðề xuất này đang được dư luận hết sức quan tâm và nhận được sự ủng hộ của Bộ Công thương. Trong bối cảnh hiện nay, việc tư nhân tham gia đầu tư vào LTTÐ rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất mới bởi Luật Ðiện lực quy định, lĩnh vực truyền tải điện là độc quyền nhà nước nhưng không xác định rõ, cụ thể truyền tải là thế nào. Do đó, nếu muốn nghiên cứu cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư xã hội, cần báo cáo Chính phủ xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện nay, giá truyền tải do Nhà nước quy định là 101,3 đồng/kW giờ, khi tư nhân đầu tư, phải xác định phí truyền tải chắc chắn sẽ không rẻ như hiện nay. Mặt khác, nếu cho tư nhân đầu tư, vấn đề yêu cầu kỹ thuật phải được bảo đảm để sau này ngành điện tiếp nhận và vận hành ổn định, an toàn, đồng bộ.

Tư nhân đầu tư LTTÐ dù nhanh hơn về thủ tục, nhưng cuối cùng vẫn phải tính hết vào giá điện, trong khi giá điện do Nhà nước điều tiết cho nên không dễ tăng. Vì vậy, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ và Quốc hội xin phép sửa đổi một số nội dung trong Luật Ðầu tư và Luật Ðiện lực, nhằm đa dạng hóa các nguồn đầu tư phát triển hệ thống LTTÐ. Việc này không làm mất vai trò độc quyền của Nhà nước (là cần thiết) trong lĩnh vực truyền tải điện, bởi việc này có thể áp dụng đầu tư dưới hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao). Việc tư nhân đầu tư lưới truyền tải chỉ ở phạm vi đấu nối từ dự án của họ tới lưới điện quốc gia (kể cả cấp độ 500 kV) để giải tỏa công suất thì không vượt quá quy định các luật hiện hành.

Mới đây, khi trả lời chất vấn Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng khẳng định, Luật Ðiện lực quy định Nhà nước độc quyền về truyền tải điện, có nghĩa là độc quyền về quản lý truyền tải, không phải độc quyền cả về đầu tư và không nên áp dụng máy móc.

Trong thời gian chưa hoàn thành Quy hoạch Ðiện 8, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét điều chỉnh cơ cấu nguồn điện và điều chỉnh quy hoạch nguồn điện, LTTÐ để làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn trong việc đầu tư nguồn điện và huy động vốn phát triển ngành điện.