Sóc Trăng tập trung cải cách thủ tục hành chính

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, trọng tâm là rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 100% thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa và được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại UBND phường 8 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: M. LINH
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại UBND phường 8 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: M. LINH

Số lượng thủ tục hành chính áp dụng trên địa bàn tỉnh là 1.845, trong đó có 107 thủ tục được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Sóc Trăng chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2019, đã tiến hành tiếp nhận và trả kết quả giải quyết 1.334 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Kết quả khảo sát của đơn vị chức năng cho thấy hơn 99% tổ chức, cá nhân hài lòng với dịch vụ và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trung tâm. Công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh chuyển biến tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Năm 2019 chỉ số cải cách thủ tục hành chính của tỉnh đã tăng thêm 5 bậc, đứng ở thứ hạng 19/63 tỉnh, thành phố của cả nước và tăng 42 bậc so với năm 2015.

Ðịnh hướng cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thể chế, kiểm soát chặt chẽ quy trình xây dựng văn bản pháp luật và việc ban hành mới thủ tục hành chính. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước...

★ Sau 5 năm thực hiện Ðề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025", ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa thu được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể và cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cha mẹ trẻ đã có chuyển biến đáng kể trong nhận thức về sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Các trường nằm trong dự án coi đây là một trong những giải pháp để duy trì kết quả phổ cập giáo dục tại các địa phương và đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp. Ở huyện miền núi Khánh Sơn, học sinh đều là người dân tộc Ra Glai, đa số các em nói tiếng mẹ đẻ khi đi học, vốn tiếng Việt rất ít. Các trường trong huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để rèn kỹ năng đọc, viết như tổ chức học nhóm, tăng các tiết đọc thư viện, hoạt động ngoại khóa… Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh được tăng cường tiếng Việt ra lớp đúng độ tuổi đạt 100%; các em từng bước tự tin, hòa nhập với tập thể. Huyện miền núi Khánh Vĩnh có 17 trường mầm non với hơn 68% trẻ là người dân tộc thiểu số và 16 trường tiểu học với hơn 81% học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh như các địa phương khác, từ năm 2016 đến nay, huyện có 344 cán bộ, giáo viên người Kinh được bồi dưỡng tiếng Ra Glai để tạo sự gần gũi, thân thiết với học trò, từ đó nâng cao kỹ năng, phương pháp giảng dạy tiếng Việt…

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn đề án, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình người dân tộc thiểu số tạo điều kiện cho trẻ đến trường học hai buổi/ngày; tăng cường trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi. Các trường chú trọng xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài lớp học, nâng cao chất lượng dạy nói tiếng Việt trong dịp hè cho trẻ dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1, tổ chức hiệu quả hoạt động giao lưu tiếng Việt.