Người thầy “cổ tích”

Ở rẻo cao Sơn Ba, chuyện thầy giáo Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi), không chỉ đến lớp dạy dỗ mà còn hết lòng nuôi nấng chăm sóc học trò đã trở thành một câu chuyện đẹp về một nhà giáo tận tụy, một người thầy hết lòng vì học trò vùng cao mỗi khi được nhắc tới…

Thầy giáo Đặng Văn Cương hướng dẫn học sinh K'Rể tập viết.
Thầy giáo Đặng Văn Cương hướng dẫn học sinh K'Rể tập viết.

Người cha thứ hai của “cậu bé tí hon”

Trường tiểu học Sơn Ba có 430 học sinh, nhưng có một học trò ngoại hình hết sức đặc biệt. Đó là em Đinh Văn K’Rể (lớp 1B), tuy đã chín tuổi nhưng chỉ cao 56 cm và nặng chưa tới 4 kg. Từ lâu, K’Rể được biết đến với tên gọi “cậu bé tí hon”. Con đường để cậu học sinh đặc biệt này ra lớp ghi đậm dấu ấn của thầy Cương. Anh Đinh Văn An (cha K’Rể) cho biết: “Lúc mới sinh, con tôi chỉ bé bằng con chuột, thấy quá lạ và cho rằng đây là một “điềm xấu” cho làng, nhiều người đã sợ và bảo vợ chồng tôi mang ra bìa rừng để chôn. Nhưng thương con, chúng tôi đã cố gắng thuyết phục dân làng cho giữ lại cháu”.

Khác với mọi đứa trẻ khác, K’Rể phát triển rất chậm. Trong một lần đi vận động học sinh ra lớp, thầy Cương phát hiện ra trường hợp của K’Rể. Thương cảnh thiệt thòi của K’Rể và thấy hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn, thầy thuyết phục gia đình để được... nuôi cậu bé. “Lúc đó phụ huynh không đồng ý cho con ra học vì e ngại, nhưng tôi thuyết phục phụ huynh cho cháu ra ở với tôi, nếu cháu chịu thì tôi nuôi luôn. Từ ngày đó, cháu ở hẳn với tôi như con, hằng ngày ăn cùng, ngủ cùng” - thầy Cương cho biết.

Từ ngày K’Rể ra lớp, mọi sinh hoạt của cậu học trò đặc biệt này từ ăn, uống, tắm, đi vệ sinh... đều do một tay thầy Cương cáng đáng. Chăm sóc một đứa trẻ thông thường đã vất vả, chăm sóc một “cậu bé tí hon” khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương dành cho cậu học trò thiệt thòi, thầy Cương đã vượt qua tất cả. Thầy phải đóng thêm một cái đôn gỗ để K’Rể ngồi học ở lớp. Tất cả quần áo, giày dép và đồ dùng của K’Rể đều được thầy xuống tận TP Quảng Ngãi đặt làm riêng. K’Rể bây giờ đã khác hẳn lúc ở làng, cậu không còn nhút nhát, sợ người như trước mà rất hiếu động. Tuy chưa nói được tiếng ghép, biết hết mặt chữ và không thể tự cầm bút viết, nhưng trong giờ học, K’Rể vẫn ngồi ngay ngắn, trật tự và cầm phấn vẽ những nét nguệch ngoạc lên tấm bảng con trước mặt. Ngoài giờ học trên lớp, chiều về K’Rể cũng đi đá bóng nhựa... Tối đến, em được thầy Cương chỉ dạy cách ngồi vào bàn để học bài.

Cuối năm 2016, nhân dịp ra Hà Nội dự lễ vinh danh của ngành giáo dục, thầy đã dẫn K'Rể đi cùng để các giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong và ngoài nước thăm khám cho em. Sau khi thăm khám, các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán đều cho chỉ số bình thường, tuy nhiên, K’Rể mắc hội chứng Seckel hay còn gọi là “người lùn, đầu chim”. Đây là hội chứng cực kỳ hiếm gặp trên thế giới. Trong chuyến đi này, đích thân Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp gỡ động viên hai thầy trò và vận động quyên góp cho K’Rể số tiền hơn 24 triệu đồng. Số tiền này đã được thầy Cương lập một sổ tiết kiệm cho K’Rể.

Gom học trò xuống lớp để… nuôi

Thôn Gò Da, xã Sơn Ba nằm trong hốc núi. Đây là nơi sinh sống từ bao đời của hàng trăm hộ đồng bào Hrê vì lẩn khuất sau nhiều ngọn núi dựng đứng, cho nên Gò Da luôn bị cái nghèo đeo bám. Cuộc sống vốn dĩ chật vật, vì thế đồng bào chẳng màng tới chuyện học hành của con trẻ. Những năm trước, ở chốn rừng núi này, một năm học sinh chỉ có hai mùa là… mùa đót và mùa mật ong rừng. Bởi lẽ, khi đót bắt đầu trổ bông, ong bắt đầu cho mật thì cũng là lúc những đứa trẻ đang “tuổi ăn tuổi ngủ” ở đây bỏ học theo cha, anh lao vào rừng xanh kiếm sống.

Nhưng, nghèo khó chỉ là một phần nguyên nhân khiến học sinh Gò Da “ngại” ra lớp vì con đường đến trường hằng ngày của các em là một hành trình gian nan với hơn bốn giờ băng rừng, vượt suối. Biết được điểm khó này, gần 10 năm trước, thầy Cương cùng với một số giáo viên trong trường đề xuất với lãnh đạo Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà, sau đó thầy trực tiếp vào Gò Da để gom học sinh ra lớp, cho các em ở nội trú tại trường. Để thuyết phục phụ huynh, thầy Cương hứa với họ sẽ… nuôi các em với điều kiện bằng hoặc hơn ở nhà. Ban đầu còn nghi ngại, nhưng nhờ sự nhiệt thành của các thầy giáo, cô giáo, cuối cùng cha mẹ các em cũng đồng ý để các em theo thầy ra lớp. Vận động được học sinh ra lớp đã khó, nhưng đứng trước việc phải lo chỗ ăn, chỗ ở cho gần 40 học sinh đối với một trường tiểu học vùng cao là điều không tưởng.

Trước những thử thách đó, thầy Cương động viên thầy giáo, cô giáo trong trường cùng mình nuôi học trò, bằng mọi giá không để học trò về lại làng. “Nếu lúc đó chúng tôi bỏ cuộc, các em về lại bản thì sẽ không bao giờ phụ huynh tin chúng tôi nữa. Như vậy đồng nghĩa với việc các em sẽ xa trường, xa lớp mãi mãi. Nghĩ tới điều đó, chúng tôi càng quyết tâm hơn” - thầy Cương nhớ lại.

Những ngày đầu, ba phòng nội trú dành cho giáo viên lên vùng cao công tác được nhường cho các em ở. Những thầy giáo, cô giáo thường ngày tay cầm phấn dạy con chữ giờ phải loay hoay với cưa, đục… để tự tay đóng những chiếc bàn, chiếc ghế cho học trò. Trường có 32 giáo viên, trong đó 12 thầy, cô ở miền xuôi lên công tác không thể đi về trong ngày cho nên phải ở nội trú. Những thầy, cô này cáng đáng luôn phần việc nấu ăn, chăm sóc các học sinh nội trú. Để có tiền mua gạo, mắm muối nuôi học trò những buổi đầu, đích thân thầy Cương đã trích phần lớn tiền lương của mình để đài thọ, sau đó cũng chính thầy ra huyện xin tiền, vận động khắp nơi xin gạo, xin dầu ăn, mắm, muối nuôi các em. Ròng rã nhiều tháng trời vận động, rồi những thùng mỳ tôm, những bao gạo, những thùng quần áo cũ từ miền xuôi lần lượt được chuyển lên Trường tiểu học Sơn Ba trước sự xúc động của thầy Cương và niềm vui khôn tả của học trò nơi đây.

Để vừa có nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn tại chỗ, vừa tạo nơi để học sinh vừa chơi, vừa học sau giờ học trên lớp, một “nông trại” nhỏ đã được thầy Cương cùng một số thầy giáo, cô giáo lập nên ngay trong khuôn viên nội trú. Sau giờ học, những học sinh được thầy hiệu trưởng dẫn ra vườn rau để chỉ cách chăm sóc những luống cải, mồng tơi, đậu cô ve xanh mướt. Đến giờ, vườn rau vẫn được thầy và trò Trường tiểu học Sơn Ba duy trì để cung cấp rau xanh cho bữa ăn hằng ngày.

Chỉ tay về phía hai dãy phong lan đang khoe sắc, thầy Cương tâm sự: “Đó là của học trò đem ra tặng chúng tôi đấy. Ngày nghỉ, chúng về nhà theo cha vào rừng hái mang ra treo thành hai dãy quanh khu nội trú. Nhìn những học trò khỏe mạnh, tiếp thu kiến thức tốt, chúng tôi rất mãn nguyện. Giờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các em, cho nên chúng tôi cũng đã đỡ chạy đôn chạy đáo xin tiền, xin gạo như trước. Vì vậy, thầy trò ở đây giờ đã yên tâm bám trường, bám lớp rồi”.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, năm 2013, thầy giáo Đặng Văn Cương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2016, thầy là một trong hai nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh. Còn ngôi Trường tiểu học Sơn Ba liên tục 10 năm qua đạt danh hiệu trường tiên tiến.