Nhìn lại năm 2019

Một số sự kiện tiêu biểu lĩnh vực lao động, xã hội năm 2019

NDO -

NDĐT- Năm 2019, cả nước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Quốc hội đề ra, trong đó, ngành lao động, thương binh và xã hội đóng góp 3/12 chỉ tiêu. Từ kết quả đó, nhiều sự kiện nổi bật của lĩnh vực này cũng được ghi nhận.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quà tặng các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc biểu dương 500 thương binh nặng, một trong những sự kiện tiêu biểu của lĩnh vực lao động - xã hội năm 2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quà tặng các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc biểu dương 500 thương binh nặng, một trong những sự kiện tiêu biểu của lĩnh vực lao động - xã hội năm 2019

* Thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Một số sự kiện tiêu biểu lĩnh vực lao động, xã hội năm 2019 ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Bộ luật Lao động tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Duy Linh).

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nhấn nút thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung lớn, quan trọng, có tác động tất cả các thành phần kinh tế.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 Chương và 220 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021

Bộ luật Lao động có 16 điểm mới, trong đó có 10 điểm mới chủ yếu đối với người lao động và sáu điểm mới chủ yếu đối với người sử dụng lao động. Đây là đạo luật có tác động sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân và người lao động, hướng tới bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động, nhận được sự quan tâm, theo dõi đặc biệt của dư luận.

Lần đầu tiên, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động.

Bộ luật cũng quy định, từ nay, người lao động sẽ có thêm một ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động liền kề với Ngày Quốc khánh 2-9.

Bên cạnh đó, kể từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

* Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Công ước số 98 có 16 Điều, gồm ba nội dung cơ bản: bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động;) những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Riêng trong năm 2019 này, Việt Nam đã phê chuẩn ba công ước của ILO, nâng tổng số Công ước của ILO mà Việt Nam tham gia tính đến thời điểm này lên con số 24, trong đó có sáu trong số tám công ước cơ bản. Đây là những minh chứng sống động cho thấy hội nhập quốc tế, trong đó có việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về lao động là chủ trương lớn, nhất quán của Việt Nam từ khi thực hiện đổi mới đến nay.

Cũng trong năm nay, Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ILO (1919 - 2019) với chủ đề "Những tư tưởng tương đồng của Hồ Chí Minh và ILO hướng tới việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người" đã diễn ra.

* Hội nghị toàn quốc biểu dương 500 thương binh nặng từ 81% trở lên

Ngày 25-7, lễ gặp mặt tuyên dương 500 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 diễn ra trọng thể tại Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.

Chương trình do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động tri ân người có công thường niên đầy ý nghĩa diễn ra từ hàng chục năm nay.

500 đại biểu là thương binh nặng đại diện cho hơn 12 nghìn thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước. Đây chủ yếu là đối tượng phải dùng xe lăn xe lắc, di chuyển khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Trải qua hàng chục năm chiến tranh gian khổ và ác liệt, khi đất nước hòa bình, những người thương binh trở về với gia đình, với quê hương. Họ đã để lại sau lưng tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cùng một phần thân thể trong chiến đấu. Các thương binh hằng ngày vẫn phải đối diện với bao cơn đau mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng nhiều người trong số họ đã vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục xây dựng gia đình, quê hương.

Cũng trong dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng trao 783 Bằng Tổ Quốc ghi công cho gia đình và thân nhân liệt sĩ.

* Đột phá trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

Năm 2019 ghi nhận sự phát triển đột phá trong thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, thêm có 281 nghìn người tham gia, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước đạt 551 nghìn người. Con số này đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra hai năm.

Chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã có kết quả vượt bậc. Số người tham gia tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người vận động của 10 năm trước đó. Cụ thể, năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn quốc mới chỉ có 6.000 người tham gia. Đến hết năm 2018 con số này là 270 nghìn người.

Tuy nhiên, cả nước hiện còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH - đây là cơ hội để ngành BHXH tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện. Năm 2020 sẽ là năm bản lề quan trọng để đạt mục tiêu đầu tiên về BHXH tự nguyện trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, bởi hiện số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc vận động người dân tham gia đang còn không ít khó khăn, thách thức do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người lao động tự do có mức thu nhập thấp, bấp bênh trong khi thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm).

Ngày 21-11-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội. Đề án đưa ra những giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức phù hợp, thân thiện hơn với từng người dân, hướng tới truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng điện thoại, tin nhắn, đối thoại trực tiếp tại khu dân cư, nhà riêng…

* Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”

Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" - Skilling up Vietnam diễn ra vào ngày 16-11, tại Hà Nội với sự tham gia của gần 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế. Đây là lần đầu tiên Chính phủ chủ trì một diễn đàn về kỹ năng lao động Việt Nam.

Với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, Diễn đàn nhằm khẳng định tầm nhìn, khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Diễn đàn đưa ra thông điệp về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động.

Đây cũng là dịp để đánh giá kết quả ba năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với xã hội, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp tục tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

* Số người đi làm việc ở nước ngoài đạt kỷ lục mới

Năm 2019, cả nước đưa 148 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài lên hơn 550 nghìn người, hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Đây cũng là năm thứ năm số lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài liên tục vượt mốc 115 nghìn người kể từ năm 2015.

Nhật Bản tiếp tục là thị trường lao động thu hút đông nhiều lao động Việt Nam nhất trong năm qua. Tiếp đó là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

* Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4%

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trên cả nước giảm 1,3% so với cuối năm 2018. Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm gần 5%, góp phần đưa con số trên ở những địa bàn này còn dưới 29%. Con số hộ nghèo dưới 4% đã giúp hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt.

Trong năm 2019, cả nước đã tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý…

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp, tham gia xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020. Nhận thức về giảm nghèo có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Ngày càng có nhiều tấm gương cá nhân làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, nhiều địa phương xin thoát nghèo, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước.

* Tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người

Trong năm 2019, cả nước tạo việc làm cho hơn 1,635 triệu người, đạt 103,2% kế hoạch năm. Con số tạo việc làm trong nước khoảng 1,508 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,12%.

Theo đó, các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động đã được thực hiện. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động di cư, lao động là người dân tộc thiểu số, phụ nữ... Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm với tần suất tăng, hình thức đa dạng, phong phú.