Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và Vườn Quốc gia Yook Ðôn bị xâm hại nghiêm trọng

NDO -  Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nằm trên địa bàn huyện Ea Kar và Vườn quốc gia Yook Ðôn (tỉnh Ðác Lắc), tài nguyên rừng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do lực lượng chức năng buông lỏng kiểm soát...

 Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô đang phải chịu nhiều áp lực nặng nề, hàng trăm kiểu phá rừng, săn bắt thú rừng của người dân vùng này, đó là săn bắt thú, đặt bẫy thú, khai thác gỗ, phá rừng làm rẫy... Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm của Khu BTTN Ea Sô phát hiện và xử lý hơn 100 vụ vi phạm lâm luật với 135 đối tượng; tháo dỡ, phá hủy và xử lý hơn 500 bẫy thú các loại, tịch thu và xử lý hơn 60 xe máy độ chế, thu giữ nhiều cưa máy, súng độ chế và nhiều công cụ săn bắt, đặt bẫy thú, trong đó có sáu vụ nghiêm trọng đã được Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô chuyển các cơ quan tố tụng xử lý hình sự.

  Ðiển hình là vụ cháy rừng xảy ra ngày 20-8, tại tiểu khu 634 thuộc Khu BTTN Ea Sô gây thiệt hại hơn tám ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Trớ trêu thay, nguyên nhân xảy ra cháy rừng lại là do... "sáng kiến" của một nhóm người đi săn. Theo lời khai của Nguyễn Quang Thắng (SN 1990) và Nguyễn Quang Hải (SN 1989) cùng trú thôn 6, xã Cư Prao (Ma Ð’rắc, tỉnh Ðác Lắc) thì chính họ đã châm lửa đốt rừng nhằm tạo đường đi và tạo ra bãi săn thú. Trước đó, ngày 26-4-2012, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện và bắt giữ Cứ Ga Vàng, trú thôn Giang Ðông, xã Ea Dah (Krông Năng, Ðác Lắc) về hành vi phá rừng. Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng, diện tích rừng bị Cứ Ga Vàng chặt phá là 0,81 ha, mức độ thiệt hại 100% với tổng mức độ thiệt hại về lâm sản và môi trường là hơn 97 triệu đồng. Mới đây, Tòa án Nhân dân huyện Ea Kar đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Cứ Ga Vàng năm năm tù về tội hủy hoại rừng.

  Lộng hành hơn là vụ Giàng A Tu, Hờ A Hủ và Sùng A Giang (đều trú thôn Giang Ðông như Cứ Ga Vàng) đã bị tổ tuần tra Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn bắt quả tang khi đang dùng cưa máy khai thác gỗ hương tại tiểu khu 619 vào đầu năm 2012. Ba đối tượng này đã khai thác năm cây gỗ hương, với khối lượng đo đếm được hơn 19 m3. Vụ án đã được Tòa án Nhân dân huyện Ea Kar xét xử và tuyên phạt Giàng A Tu 30 tháng tù, Hờ A Hủ 24 tháng tù. Riêng Sùng A Giang bỏ trốn, đang bị truy nã...

  Không chỉ vào rừng săn bắt, khai thác gỗ, nhiều hộ dân còn ngang nhiên "cạo trọc" rừng của Khu bảo tồn để làm nương rẫy. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô Bùi Ðình Kính bức xúc: Lực lượng kiểm lâm thì có giới hạn, trong khi người dân len lỏi vào rừng cả ngày lẫn đêm nên không thể nào kiểm soát xuể. Ðơn cử như ở tiểu khu 632, hiện đang bị một số người Mông di cư tự do vào chiếm đất rừng trái phép để làm nương rẫy, tình hình rất nghiêm trọng. Trong đó phải kể đến các hộ như Vàng A Tả lấn chiếm 9.543 m2, hộ Sùng Thị Mo lấn chiếm 12.326 m2, hộ Vàng Thị Ca 890 m2... Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến đề nghị các cấp, các ngành phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhưng đến nay tình hình vẫn không thay đổi. Và thực tế đáng buồn là người dân vẫn tiếp tục xâm hại rừng.

  Trên địa bàn quản lý của Khu BTTN Ea Sô ở các khu vực giáp ranh như huyện Krông Pa (Gia Lai), huyện Sông Hinh (Phú Yên) và huyện Krông Năng (Ðác Lắc), tình hình an ninh rừng đang diễn ra vô cùng phức tạp. Công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của các tỉnh giáp ranh vẫn chưa được các địa phương thật sự quan tâm. Ðiều này đã khiến cho áp lực xâm hại rừng từ các hướng Krông Pa, Sông Hinh và Krông Năng ngày càng lớn.

  Còn tại địa bàn giáp ranh huyện Krông Năng, việc quản lý bảo vệ rừng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo Phó Hạt Kiểm lâm Bùi Ðình Kính, lâm tặc đã lợi dụng sự thiếu ổn định trong công tác quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng để xâm nhập vào Khu BTTN Ea Sô đặt bẫy thú rừng và khai thác rừng trái phép. Trong tám tháng đầu năm 2012, Hạt Kiểm lâm đã lập biên bản và xử lý 17 vụ, 28 đối tượng thuộc huyện Krông Năng, trong đó bàn giao công an huyện xử lý hình sự ba vụ, ba đối tượng về hành vi khai thác gỗ và phá rừng làm rẫy.

  Tại Vườn Quốc gia (VQG) Yook Ðôn, Quyền Giám đốc VQG Trần Văn Thành bộc bạch: Sau khi lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát, tình trạng phá rừng với quy mô lớn đã giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng phá rừng nhỏ lẻ vẫn xảy ra trong vườn. Theo thống kê, chỉ trong tháng 8 năm nay, Hạt Kiểm lâm VQG Yook Ðôn đã phát hiện 89 vụ phá rừng, thu giữ hơn 80 m3 gỗ, 19 cưa máy, ba ô-tô, sáu xe công nông, 32 xe máy, 59 xe đạp... Việc săn bắn thú rừng vẫn diễn ra ở VQG, nhưng số vụ phát hiện và bắt giữ các đối tượng săn bắn trái phép lại quá ít.

  Vừa qua, Hạt Kiểm lâm VQG chỉ phát hiện và thu giữ ba khẩu súng, 21 viên đạn; phá 261 bẫy thú. Trong đó, tối 19-8 vừa qua, tổ tuần tra Hạt Kiểm lâm VQG phát hiện một vụ săn bắn trái phép trong Vườn; phát hiện có năm người, một con hoẵng, một khẩu súng và 21 viên đạn trên một chiếc ô-tô. Tuy nhiên, do chỉ có hai nhân viên kiểm lâm, cho nên các đối tượng vi phạm đã trốn thoát. Lúc bị phát hiện, trên ô-tô có người mặc sắc phục công an. VQG Yook Ðôn đã gửi công văn đến các cơ quan liên quan của hai tỉnh Ðác Lắc và Ðác Nông đề nghị điều tra vụ việc, nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo gì. Ai cũng nhận thấy, việc mua bán động vật rừng ở hai huyện Buôn Ðôn và Ea Súp (tỉnh Ðác Lắc) diễn ra công khai.

  Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hệ thống quản lý, bảo vệ rừng ở VQG Yook Ðôn bị buông lỏng từ trong ra ngoài. Ða số cán bộ yếu về năng lực, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân chứ không nghĩ đến việc bảo vệ rừng. Vì vậy, khi lập lại công tác quản lý bảo vệ rừng, nội bộ phát sinh mâu thuẫn do quyền lợi bị đụng chạm.

  Khu BTTN Ea Sô và VQG Yook Ðôn đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ lãnh đạo Khu bảo tồn, VQG đến chính quyền địa phương, nhất là lực lượng kiểm lâm tại chỗ thì việc những cánh rừng, những loài thú quý hiếm sẽ thưa dần, và một ngày nào đó sẽ không có tên trong Khu bảo tồn cũng như VQG là một điều cảnh báo.