Khắc phục sự cố rạn nứt mặt cầu Thăng Long

Theo đó, trong quá trình thi công, một số mẻ bê-tông nhựa SMA đã nguội quá nhanh, dẫn tới bê-tông nhựa sau khi kết thúc lu lèn ở nhiệt độ thấp dưới 120 độ C vừa không đủ độ bám dính ở lớp dưới, vừa không bảo đảm độ chặt như thiết kế, khiến cường độ chịu lực bị suy giảm mạnh và phát sinh ra các vết nứt (yêu cầu nhiệt độ rải và lu lèn hỗn hợp bê-tông nhựa SMA phải đạt từ 120 đến 170 độ C). Các vết nứt của mặt cầu có độ mở khoảng 3 - 5 cm, độ dài trung bình từ 2 đến 4 m mỗi vết, với diện tích mặt đường phần hư hỏng phải xử lý khoảng 200 m2. Qua số liệu kiểm tra tại những mẫu khoan đào từ vị trí nứt, mẫu bê-tông nhựa có độ rỗng lớn hơn so với thiết kế, độ ẩm cao hơn các mẫu khoan tại các vị trí không nứt và có dấu hiệu thiếu bám dính với lớp chống thấm ở dưới. Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải đề xuất xử lý hư hỏng mặt cầu theo hai phương án. Ðó là, khoanh mảng và bóc lớp  mặt bị nứt, vỡ, sau đó sử dụng vật liệu bê-tông nhựa SMA để trám vá, cộng với thoát nước nhanh ra khỏi phạm vi mặt cầu với điều kiện nhiệt độ thi công cũng phải đạt từ 120 đến 170 độ C. Phương án khác đề xuất tiếp tục khoan kiểm định đánh giá chất lượng bê-tông nhựa và theo dõi tình hình làm việc của mặt đường tại các vị trí khác để đánh giá chất lượng bê-tông nhựa. Nếu phát hiện các vị trí có độ rỗng cao và ngậm nước tương tự sẽ tiếp tục sửa chữa.  Ông Bùi Quang Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư và xây dựng Bảo Quân (đơn vị thi công) cho biết, theo kế hoạch, từ đêm 23-3, công ty huy động nhân lực và phương tiện bắt đầu công việc sửa chữa phần hư hỏng.