Hậu quả nặng nề của hạn, mặn đối với cây ăn quả

Mặc dù đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã kết thúc nhưng nhiều diện tích cây ăn quả tại khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề. Cùng với đó, sâu, bệnh gây hại cũng đang là mối lo của các nhà vườn.

Một vườn sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bị chết, phải chặt bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác.
Một vườn sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bị chết, phải chặt bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác.

Những vườn sầu riêng xơ xác

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), mùa khô 2019-2020 hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn so trung bình nhiều năm. Điểm khác thường là thời gian hạn, mặn kéo dài hơn và mức độ gay gắt, liên tục duy trì ở mức cao. Độ mặn ở các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông ở mức cao suốt từ tháng 2 đến tháng 5 và hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Hạn, mặn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của 10 trong số 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, hơn 80 nghìn héc-ta cây ăn quả bị ảnh hưởng; gần 60 nghìn héc-ta lúa vụ mùa năm 2019 và vụ đông xuân 2019 - 2020 bị thiệt hại. 

Tỉnh Tiền Giang có hơn 14.800 ha sầu riêng, tổng sản lượng mỗi năm khoảng 277 nghìn tấn. Năm 2019, lợi nhuận trung bình một héc-ta sầu riêng đạt khoảng 920 triệu đồng, cao gấp 22 lần so với trồng lúa. Đợt hạn, mặn vừa qua, Tiền Giang hỗ trợ nhân dân vận chuyển, phân phối khoảng 626 nghìn mét khối nước ngọt cho gần 22.500 hộ dân để cứu sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Nhưng sau đợt hạn, mặn, trên địa bàn có gần 4.500 ha bị ảnh hưởng, trong đó gần 1.000 ha thiệt hại từ 30 đến 70%, gần 3.600 ha thiệt hại từ 70 đến 100%. Mặc dù chính quyền địa phương đã chi hàng chục tỷ đồng vận chuyển nước ngọt giúp dân cứu vườn cây ăn quả nhưng tỷ lệ cây chết vẫn nhiều. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang  Nguyễn Văn Mẫn cho rằng,  năm 2020, mặn xuất hiện sớm hơn, nồng độ cao, duy trì lâu và lấn sâu hơn vào nội đồng; các công trình thủy lợi chưa bảo đảm cho nên nước mặn rò rỉ vào mương, vườn cây. Ngoài ra, tác động của mưa trái mùa cũng khiến cây sầu riêng bị sốc dẫn đến chết…

Cai Lậy là huyện trồng sầu riêng nhiều nhất tỉnh Tiền Giang với khoảng 10 nghìn héc-ta, trong đợt hạn, mặn vừa qua có hàng nghìn héc-ta bị chết. Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Cai Lậy Trần Lý Ngự Bình cho biết, sau đợt hạn, mặn, ngành chức năng đã phối hợp các địa phương xác định diện tích sầu riêng bị chết để có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay sầu riêng tiếp tục chết nhiều hơn cho nên việc thống kê phải dừng lại. Thống kê sơ bộ, khoảng 2.800 ha sầu riêng bị chết, trong đó nhiều vườn chết trắng. 

Bà Lê Thị Lệ ở xã Long Trung cho biết, gia đình bà trồng 0,7 ha sầu riêng, đã được 12 năm tuổi. Đợt hạn, mặn vừa qua, gia đình bà bỏ ra hơn 30 triệu đồng mua nước ngọt cùng với hơn 100 m3 nước ngọt được tỉnh hỗ trợ tưới cho vườn sầu riêng. Nhưng đến nay 90% số cây bị chết, số còn lại chỉ đâm đọt non nhưng khó phục hồi.  
  
 Toàn tỉnh Bến Tre có gần 30 nghìn héc-ta cây ăn quả, hoa màu, cây cảnh… ảnh hưởng thiệt hại ước khoảng 1.600 tỷ đồng. Tại các địa phương lâu nay có nước ngọt phục vụ sản xuất quanh năm như Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành... nhiều vườn cây ăn quả vẫn chết. Hiện nay, trên địa bàn đã có mưa nên nhân dân xả mặn phục hồi diện tích bị ảnh hưởng và chuyển sang canh tác cây trồng khác. Ông Nguyễn Văn Nghi, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách có 3.000 m2 đất trồng sầu riêng được tám năm tuổi. Sau đợt hạn, mặn vừa qua toàn bộ 60 gốc sầu riêng bị chết khô, phải chặt bỏ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Nghi cho biết: “Trung bình, vườn sầu riêng này mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng, nay chết sạch. Gia đình tôi mới dọn vườn để trồng mít giống. Trồng mít giống sau một năm là thu hoạch, bán cho các điểm ghép cây giống. Vì vậy sẽ tránh được hạn, mặn. Nếu trồng cây ăn trái lâu năm như sầu riêng, chôm chôm... rất dễ bị thiệt hại do nước mặn.

Sâu, bệnh bùng phát

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay sâu, bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều diện tích cây ăn quả ở Nam Bộ, trong đó chủ yếu là ở khu vực ĐBSCL. Tính đến ngày 23-7, trên cây có múi đã có 809 ha bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh, trong đó 42 ha nhiễm nặng, phân bố ở Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang. Ngoài ra, còn 323 ha cây có múi bị sâu đục quả gây hại, tỷ lệ phổ biến 5% đến 10%; diện tích nhãn nhiễm bệnh chổi rồng khoảng 2.169 ha, tỷ lệ phổ biến từ 15% đến 25%, nhiễm nặng 386 ha, phân bố tại Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, TP Cần Thơ… Khoảng 785 ha thanh long nhiễm bệnh đốm nâu, tỷ lệ phổ biến từ 5% đến 10%, phân bố ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp…

Xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè  là vùng trồng cam sành trọng điểm của tỉnh Tiền Giang với diện tích thời kỳ cao điểm lên tới 600 ha. Hiện nay, khoảng 50 ha cam bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ. Tại huyện Chợ Gạo, bệnh thán thư và đốm nâu cũng ảnh hưởng nặng nề cho thanh long. Ông Lê Văn Thủ, xã Mỹ Tịnh An cho biết, gia đình  trồng 1,5 ha thanh long ruột đỏ, đến nay được chín năm tuổi. Thời gian qua, vườn thanh long bị bệnh thán thư và đốm nâu. Mặc dù số cây bệnh đã được cắt bỏ nhưng tình hình không mấy khả quan.

Phó Viện trưởng Viện cây ăn quả miền nam Võ Hữu Thoại cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng phát sâu, bệnh trên cây ăn quả ở ĐBSCL, trong đó chủ yếu là do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Thời tiết nắng nóng cũng làm sâu hại tăng sức ăn, rút ngắn vòng đời. Nước mặn khiến cây suy yếu, dễ bị các loại bệnh gây hại tấn công. Tại nhiều địa phương, diện tích trồng một số loại cây ăn quả tăng nhiều hơn so với quy hoạch, nên người dân không tuân thủ yêu cầu, kỹ thuật khi chăm sóc cây...

Cần có giải pháp ứng phó lâu dài

Khu vực ĐBSCL là vùng trọng điểm trồng cây ăn quả của cả nước với diện tích khoảng 370 nghìn héc-ta, sản lượng đạt hơn ba triệu tấn/năm. Sau đợt hạn, mặn vừa qua, nhiều diện tích cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề, nên các ngành chức năng và địa phương cần có giải pháp căn cơ nhằm ứng phó hiệu quả nếu hạn, mặn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng  NN và PTNT Lê Quốc Doanh, trước mắt các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn người dân giải pháp nhằm khôi phục vườn cây ăn quả, vườn cây giống. Cần kiểm soát tốt việc phát triển diện tích cây ăn quả trên địa bàn. Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn quả phải phù hợp điều kiện sinh thái, đất đai, nguồn nước, thị trường tiêu thụ, phù hợp với kế hoạch chuyển đổi được Bộ NN và PTNT phê duyệt. 

Vừa qua, Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật thành lập đoàn đến các vùng trồng sầu riêng bị thiệt hại để lấy mẫu đất, nước, rễ, thân, lá nhằm tìm ra nguyên nhân gây chết cây. Bước đầu, các ngành chuyên môn nhận định, sầu riêng chết là do lượng nước tưới chưa đủ, nắng nóng gây sốc nhiệt, rò rỉ mặn vào vườn, người dân sử dụng nước nhiễm mặn tưới cho cây. 

Giám đốc Sở NN và PTNT Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, để có giải pháp hữu hiệu bảo vệ vườn sầu riêng trong thời gian tới, cần xây dựng phương án ứng phó phù hợp với diễn biến mặn; người dân cần chủ động ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời kết hợp áp dụng biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, bảo vệ cây.

 Dự báo trong thời gian tới sẽ có nhiều đối tượng gây hại xuất hiện, dịch hại từ những vùng lạnh (do thời tiết nóng lên dần) sẽ di chuyển đến khu vực ĐBSCL. Để phòng, trừ dịch hại có hiệu quả, Viện cây ăn quả miền nam khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi thông tin, dự báo về sự xuất hiện và gây hại của các loài dịch hại; áp dụng tốt quy trình quản lý dịch hại do các cơ quan chuyên môn khuyến cáo; thực hiện tốt nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ, đúng phương pháp) trong phòng, trừ sâu, bệnh. Áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp theo khuyến cáo của ngành chức năng để cây khỏe, chống chịu tốt.