“Đất tặc” lộng hành ở Thái Nguyên

NDO -

NDĐT- Những ngày này, tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép làm vật liệu san lấp diễn ra ngang nhiên trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) làm dư luận bất bình. Nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nêu khó ngăn chặn, thậm chí làm ngơ để “đất tặc” lộng hành.

Khai thác đất trái phép ở xã Nga My, huyện Phú Bình.
Khai thác đất trái phép ở xã Nga My, huyện Phú Bình.

Huyện Phú Bình có nhiều đồi đất thấp, giao thông thuận lợi, nhiều công trình cần lượng đất san lấp lớn, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng như công an, tài nguyên - môi trường... chưa quyết liệt, thậm chí làm ngơ nên tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép đang diễn ra rầm rộ, làm nhân dân bức xúc, bất bình bởi hậu quả gây ra không hề nhỏ.

Đến nhiều xã như Tân Thành, Tân Kim, Thanh Ninh, Dương Thành, Bảo Lý, Nga My... thấy nhiều đồi, núi bị đào, xúc với quy mô khác nhau. Đất làm vật liệu được coi là khoáng sản, người tổ chức khai thác, vận chuyển bất chấp quy định, ngang ngược, manh động, người dân gọi là “đất tặc”.

Từ đường bê-tông trục chính, phóng viên rẽ vào khu vực đồi núi nhà ông Phạm Văn Sĩ ở xóm Đồng 4, xã Tân Thành để tìm hiểu việc khai thác đất trái phép tại đây. Ngay khi đến điểm khai thác đất, ông Sĩ cầm thanh sắt dài hơn một mét chạy đến, hung hăng lớn giọng: “Các người là ai, “biến” ngay khỏi đây, chậm trễ thì đừng có trách”...

Phóng viên trở ra trụ sở xã Tân Thành, trao đổi với lãnh đạo xã về tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn, ông Sĩ liền phóng xe bám theo, đi lại ngông nghênh trong sân trụ sở xã và quay phim, chụp ảnh phương tiện của phóng viên.

Được biết, UBND xã Tân Thành đã nhiều lần mời ông Sĩ lên trụ sở nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu ký cam kết không tái phạm, thậm chí lập biên bản khai thác, vận chuyển đất trái phép, nhưng ông này vẫn ngang nhiên tổ chức khai thác đất. Những ngày gần đây, ông Sĩ thường tổ chức khai thác, vận chuyển đất xuống huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bán vào ban đêm, ngày nghỉ.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành, Nguyễn Thị Thu Minh thừa nhận, tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn xã đã diễn ra từ năm 2018, sau đó tạm lắng xuống; thời gian gần đây lại bùng phát trở lại, xã đã phạt ba trường hợp, mỗi trường hợp bốn triệu đồng. Bà Minh cho biết, người dân thấy xã gọi nhiều trường hợp khai thác đất trái phép lên trụ sở xã, cán bộ chức năng đến hiện trường lập biên bản vi phạm nhưng tình trạng khai thác đất vẫn diễn ra; UBND xã điều động tổ cán bộ ra đường chặn ô-tô vận chuyển đất trái phép vào ban đêm, ngày nghỉ, nhưng những xe này không dừng, lao thẳng vào cán bộ... thì cho rằng chính quyền xã mất hiệu lực quản lý, lãnh đạo. Tình trạng này làm cho uy tín của chính quyền xã giảm sút nghiêm trọng.

Cách đây chưa lâu, ở xã Nga My cũng thuộc huyện Phú Bình, do liên quan khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp mà một người bị chém lìa cánh tay. Điều đó càng cho thấy tính chất phức tạp, ngang ngược, mạnh động của nhiều trường hợp khai thác đất trái phép.

Từ các xã Tân Thành, Tân Kim, Bảo Lý, nhiều ô-tô tải chở đất biển số Thái Nguyên, Bắc Giang lũ lượt chạy ra Quốc lộ 37, qua cổng UBND huyện, Công an huyện Phú Bình rồi xuôi về huyện Hiệp Hòa. Chiều 24-5, ngồi ở trước cổng Công an huyện Phú Bình bên Quốc lộ 37 khoảng một tiếng, phóng viên đếm được gần 60 ô-tô chở đất, mỗi ô- tô chở từ 10 đến 14m3 đất về phía huyện Hiệp Hòa. Bình quân, khối lượng đất trên mỗi ô-tô, chủ đất bán khoảng 300 nghìn đồng, chở đến công trường bán được gần gấp đôi.

Khai thác và vận chuyển đất trái phép ở huyện Phú Bình mang lại lợi ích cho một nhóm người, chỉ có nhà nước và nhân dân là thiệt hại. Cụ thể, người có đồi bán được đất, người có ô-tô mang đi chở đất thuê, người tổ chức khai thác và vận chuyển thì kiếm lợi, người làm công trình thì có đất san lấp. Nhà nước thiệt hại vì không thu được thuế, phí liên quan tài nguyên.

Còn người dân phải hứng chịu hệ lụy khi hầu hết ô-tô chở đất khai thác trái phép đều quá tải, phá đường giao thông nông thôn do nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân đi trên Quốc lộ 37 đều ngán ngại khi thấy những ô-tô chở đất chạy ẩu, tốc độ cao, gây mất an toàn giao thông.

Dư luận đặt vấn đề, ngăn chặn tình trạng này không khó nếu như chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiên quyết xử lý một cách thường xuyên, liên tục đối với người bán đất, người tổ chức khai thác, cá nhân và doanh nghiệp có phương tiện vận chuyển đất.

Nhưng thật đáng tiếc, ngăn chặn tình trạng này dường như mới chỉ dừng ở việc ban hành văn bản xác định trách nhiệm hành chính của những người đứng đầu cơ quan, chính quyền các cấp. Trên thực tế khai thác, vận chuyển đất trái phép xảy ra trong thời gian dài thì chưa thấy ai bị xử lý nghiêm khắc. Điều đó cho thấy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí làm ngơ trước tình trạng khai thác đất trái phép đang diễn ra rầm rộ trên địa bàn.

“Đất tặc” lộng hành ở Thái Nguyên ảnh 1

Mỗi ngày có hàng trăm lượt ô-tô ngang nhiên chở đất trái phép trên Quốc lộ 37, từ huyện Phú Bình xuôi về huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bán.