Đà Nẵng bàn giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới

NDO -

Ngày 28-8, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Đà Nẵng họp bàn giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Đà Nẵng họp bàn giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Theo báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng, từ cuối tháng 7-2020, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tái bùng phát, diễn biến nhanh, phức tạp hơn, với trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại cộng đồng (bệnh nhân 416) và Đà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tiếp tục kiên cường, đoàn kết, quyết tâm thực hiện ở mức độ cao nhất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh với nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, thần tốc, cùng với sự hỗ trợ chung tay, giúp sức của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Y tế và các địa phương bạn, bệnh viện lớn. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn từng bước được kiểm soát.

Từ ngày 25-7 đến nay, toàn thành phố phát hiện 387 trường hợp mắc Covid-19, 26 trường hợp tử vong, 170 bệnh nhân đã ra viện; cách ly 11.512 đối tượng F1, 15.218 đối tượng F2 liên quan đến các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp qua hai đợt, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn hệ thống chính trị chủ động, nhanh chóng triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; ban hành nhiều văn bản, kích hoạt các phương án kiểm soát, quản lý, truy vết, điều tra, xử lý các nguồn có nguy cơ lây nhiễm; thực hiện nghiêm túc việc cách ly, điều trị có hiệu quả bệnh nhân mắc Covid-19; đồng thời, tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát (đợt), Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị về lãnh đạo vừa từng bước khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội vừa tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại cuộc họp, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian đầu khi dịch bệnh mới bùng phát trở lại, người dân và chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội. Nhưng khi số ca mắc Covid-19 được kiểm soát và ít dần thì người dân đã lơ là, nhất là người nghèo, lao động phổ thông, học sinh, sinh viên. Tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng phải có giải pháp hiệu quả hơn chứ không thể kéo dài thời gian cách ly. “Việc cách ly một cách chặt chẽ như thế này không thể kéo dài được mà phải có biện pháp hiệu quả hơn. Hôm qua, 27-8, tại cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, TP Đà Nẵng đã có ý kiến kiến nghị với Trung ương xem xét nới lỏng việc cách ly xã hội trong thời gian sớm nhất", ông Chinh thông tin.

Đối với tình hình khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, ông Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hiện bệnh viện đã được làm sạch, dỡ phong tỏa và lên phương án phân luồng để tiếp nhận bệnh nhân. “Bệnh viện Đà Nẵng sẽ tiến hành xét nghiệm cho tất cả bệnh nhân trước khi điều trị và không tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng sốt ho, khó thở, liên quan đến Covid-19. Chỉ tiếp nhận các bệnh nhân nặng khi đã xem xét bệnh án, có sự trao đổi thống nhất trước giữa nơi chuyển bệnh nhân đến và bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh viện Đà Nẵng xin được thay đổi quy trình hoạt động bằng mô hình chăm sóc toàn diện, tất cả nhân viên y tế sẽ chăm sóc bệnh nhân, không để người nhà chăm sóc bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo”, ông Nhân đề xuất.

Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hiện đủ năng lực để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Đà Nẵng bàn giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới -0
 Đà Nẵng sẽ nới lỏng giãn cách xã hội vào đầu tháng 9 tới, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, ngành y tế xác định thực hiện song song hai mục tiêu trong tình hình mới: “ Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng chiến lược sống chung với Covid-19 trên tất cả các lĩnh vực, hoạt động, phải xây dựng văn hóa sống chung với dịch bệnh. Muốn mở cửa, muốn kinh tế phát triển thì các ngành cũng phải phối hợp, làm quyết liệt. Ngành y tế cũng thực hiện hai mục tiêu: phòng chống dịch và phát triển ngành”.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng xác định, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi tình hình được kiểm soát. Trong trường hợp dịch bệnh từng bước được kiểm soát, thành phố xem xét nới lỏng một số ngành, lĩnh vực chủ yếu để từng bước phục hồi hoạt động của nền kinh tế, đồng thời có hướng dẫn cụ thể về chung sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh... Chủ động đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách riêng cho Đà Nẵng trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh vì là vùng tâm dịch của cả nước. Thực hiện tốt việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch, nhất là các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, người nghèo, lao động mất việc làm… Tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, không để tình trạng đứt gãy nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Khẩn trương rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của đại dịch đối với từng ngành, lĩnh vực để có kịch bản, giải pháp phù hợp giảm thiểu các tác hại gây ra. Hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được tiếp cận chính sách hỗ trợ thuế, phí, lãi vay, tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đồng ý với đề xuất của các đơn vị tại cuộc họp; yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xây dựng Chỉ thị sống chung với dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, Chỉ thị này quy định cụ thể trách nhiệm từng ngành, địa phương, nâng cao năng lực, tính chủ động của chính quyền cơ sở. Trong đó, đánh giá cao vai trò rất quyết định của mỗi người dân thành phố đang chung tay cùng thành phố vượt qua dịch bệnh. Làm thế nào để tạo ra được một nét văn hóa, một cách thức tự bảo vệ mình, tự bảo vệ gia đình và xã hội trước dịch bệnh. Chúng ta không thể kéo dài mãi như thế này. Một xã hội không thể sống cứu trợ mãi.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Đà Nẵng sẽ kiểm soát tình hình chặt chẽ theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết tháng 8. Từ tháng 9, căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch bệnh, nếu ổn, Đà Nẵng sẽ thực hiện song song Chỉ thị 19 và Chỉ thị 16 tùy theo từng khu vực. Việc phân luồng xét nghiệm tại các bệnh viện, đặc biệt với Bệnh viện Đà Nẵng, chúng ta có thể làm triệt để nhằm phát hiện và ngăn ngừa sớm nhất các ca mắc Covid-19, ngoài đối tượng không có bảo hiểm y tế, trước mắt, thành phố sẽ phải lo nguồn kinh phí hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng. Đây là nguồn kinh phí rất nhỏ so với những mất mát của toàn thành phố trong một tháng bị phong tỏa như hiện nay. Tại các khu vực dân cư như chợ, siêu thị, trường học, chúng ta phải có kịch bản, biện pháp cụ thể. Đề nghị Ban cán sự UBND thành phố, HĐND thành phố, MTTQ thành phố tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, tiếp tục đề xuất các giải pháp cụ thể, bảo đảm được đời sống bình thường cho người dân”.

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19