Cùng “sống xanh”, đón Tết an lành

NDO -

NDĐT- Với nhiều người, xu hướng “sống xanh”, lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế dùng đồ nhựa, sản phẩm dùng một lần đã trở thành thói quen duy trì trong cuộc sống thường ngày. Đây cũng trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Bởi họ hiểu rằng, “sống sạch” thôi là chưa đủ!

Khách hàng tìm hiểu về những sản phẩm xanh.
Khách hàng tìm hiểu về những sản phẩm xanh.

Gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vài ngày, một buổi chợ phiên đặc biệt mang tên “Chợ nhỏ đón Tết” được tổ chức tại một cửa hàng bán đồ thủ công trên phố Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ở đây đều là những gian hàng bán các sản phẩm “xanh”, đáp ứng tiêu chí an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường vừa hạn chế được lượng chất thải rắn như túi nylon, chai nhựa hay hóa chất độc hại. Những sản phẩm này đều là những mặt hàng gắn với ngày Tết như mứt gừng, mứt dừa không chất bảo quản, những lọ bánh quy làm từ nguyên liệu hữu cơ, hạt nêm hoàn toàn từ rau củ quả, không chất tạo ngọt, bánh đa nem sạch không hàn the tới hương trầm, hương nụ của xứ Huế…

Tự nhận là nơi gắn kết những tâm hồn ăn uống thích xanh - lành - sạch, bạn Nguyễn Thị Kim Dung (thành viên sáng lập tiệm bánh Tròn Xoe) cho biết, các bạn đã sử dụng nguyên liệu sạch để làm những hộp quà với nhiều vị bánh khác nhau để khách hàng biếu tặng cha mẹ, ông bà trong dịp Tết đoàn viên. Đặc biệt, tiệm bánh sử dụng túi giấy và lọ thủy tinh để đựng bánh, rất dễ tái sử dụng, để món quà nhỏ không chỉ để gắn kết tình thân, mà còn là cách để bảo vệ môi trường thiết thực nhất.

“Chợ nhỏ đón Tết” chỉ là một trong hàng trăm sự kiện hướng tới tiêu chí sống xanh trong dịp Tết Nguyên đán này. Trong những năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm thực phẩm sạch, đồ dùng an toàn sử dụng trong gia đình được nhiều người tiêu dùng đặt ra nhiều hơn. Tại những hội chợ cuối năm hay các phiên chợ đặc biệt họp tại các khu đô thị, khu chung cư, quán cà phê…, thường xuyên xuất hiện dòng sản phẩm này. Nhưng đến nay, yêu cầu “sống sạch” có lẽ là chưa đủ với nhiều người tiêu dùng, mà còn hơn nữa là “sống xanh”. Đó là cách lựa chọn những món đồ lành sạch, an toàn, không là gánh nặng cho thiên nhiên. Trong dịp Tết, những sản phẩm thực phẩm và tiêu dùng có nguồn gốc hữu cơ, hoặc tự nhiên, sạch, không chất bảo quản rất được mọi người quan tâm. Không chỉ ưu tiên những thực phẩm, món ăn an toàn cho ngày Tết, ngay cả đồ đựng thực phẩm như cốc nước, hộp cơm, thìa đũa, bát đĩa… giờ cũng được nhiều người lựa chọn với các sản phẩm làm từ tre, thủy tinh tái chế hay bã mía…

Cùng “sống xanh”, đón Tết an lành ảnh 1

Sản phẩm hương sạch Marin được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Nhu cầu hướng tới tiêu dùng bền vững này xuất phát trước tiên từ sự an toàn cho người thân và gia đình. Năm nào, gian hàng hương sạch Marin của Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ tại hội chợ xuân Ecopark cũng đông khách đặt mua. Sản phẩm hương thắp được làm từ cây cỏ có trong tự nhiên như rễ cây hương bài, mùn cưa từ gỗ cây nhãn và vỏ cây bời lời, không có hóa chất và được kiểm nghiệm nên đã lấy được lòng tin của khách hàng về sản phẩm xanh, không gây ô nhiễm không khí hay độc hại cho người dùng.

Chị Ngô Thúy Hằng, đại diện đơn vị sản xuất cho biết, dù mới hơn hai năm có mặt tại thị trường, hiện sản phẩm hương sạch Marin đã có đại lý tại hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng đặt mua trong những dịp Tết đến, xuân về.

Không chỉ có những phiên hội chợ, những sản phẩm xanh này được bán rộng khắp trên thị trường. Từ những bộ quần áo nhuộm bằng màu tự nhiên, tới những vật dụng hằng ngày như túi, ví làm từ cỏ bàng, ống hút và bàn chải đánh răng tre, xơ mướp rửa bát, xà bông tắm làm từ quả bồ hòn… đều được bán rộng rãi qua các kênh online, trang thương mại điện tử, mạng xã hội hay tại các cửa hàng như Sạp hàng chàng Sen, cửa hàng 3T, Tạp hóa Xanh...

Điều đặc biệt, chủ nhân của rất nhiều xưởng sản xuất sản phẩm xanh này là các bạn trẻ. Anh Trần Minh Tiến (chủ cửa hàng 3T, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) cho biết, ống hút cỏ bàng, ống hút tre là những sản phẩm được đặt hàng nhiều nhất tại cửa hàng. Trung bình mỗi tháng, xưởng 3T sản xuất và bán ra 50 nghìn ống hút cỏ bàng và khoảng 1.000 ống hút tre. Tuy nhiên, ông chủ cửa hàng 3T cho biết, đây là định mức do anh tự đặt ra để không “tận thu” từ thiên nhiên, giúp cây cỏ sinh trưởng và không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái chung quanh chứ nhu cầu thực tế của thị trường còn lớn hơn thế.

Không chỉ tiên phong trong việc tạo dựng các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhiều người đã lan tỏa tinh thần yêu thiên nhiên tới mọi người, tạo thành một cộng đồng “sống xanh” để cùng nhau thay đổi nhận thức của xã hội. Hơn một năm nay, Nguyễn Hiếu Hạnh (sinh viên ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) thường xuyên dùng những sản phẩm như mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, bình thủy tinh đựng nước, túi vải tái chế đựng đồ. Để hạn chế sử dụng sản phẩm nylon, cô gái trẻ cũng lên ý tưởng về những món quà Tết xanh độc đáo hữu ích, truyền cảm hứng cho bạn bè và người thân vào dịp năm mới như bộ thìa đĩa tre, đĩa thủy tinh tái chế, ống hút innox…

Hạnh chia sẻ, dù không thể hoàn toàn “nói không với nylon” như các khẩu hiệu, nhưng mọi người chung quanh cũng đã bắt đầu có những thay đổi tích cực. Nhóm bạn “trà sữa” mỗi khi tụ tập đều mang theo ống hút và bình thủy tinh của mình. Ở nhà, mọi người đã dùng vải sáp ong để bọc thực phẩm thay vì màng bọc thực phẩm nylon… “Nói về giá thành, những sản phẩm xanh này có thể cao hơn so với những sản phẩm thông thường, nhưng chúng đều có thể dùng nhiều lần, không lãng phí mà vẫn hạn chế bao bì nhựa hay nylon nên mang lại lợi ích về kinh tế và lâu dài cho môi trường. Điều quan trọng nhất là giúp mọi người hiểu rõ và trân trọng những sản phẩm làm từ thiên nhiên”, Hiếu Hạnh chia sẻ.