Chủ động ứng phó bão số 8 và tập trung cứu trợ đồng bào miền trung

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 21-10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ vĩ bắc; 117,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 đến 100 km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.

Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) sơ tán người dân về nơi an toàn. Ảnh: NGÔ TUẤN
Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) sơ tán người dân về nơi an toàn. Ảnh: NGÔ TUẤN

Dự báo trong 24 giờ sau đó, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 22 giờ ngày 22-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 114,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (100 đến 135 km/giờ), giật cấp 14. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Ðông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 19,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 112,5 đến 118,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Ðông có mưa bão, gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6 đến 8 m; biển động dữ dội.

★ Sáng 21-10, tại hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ các tỉnh miền trung diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo: Tập trung cứu trợ đồng bào miền trung, đặc biệt là hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh; chủ động phương án ứng phó bão số 8 theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của bão số 8 phải xây dựng các phương án phù hợp, thiết thực trong ứng phó bão, trong đó tập trung vào việc sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm (vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...).

★ Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày
21-10, cơ quan chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.598 phương tiện/263.044 ngư dân biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Tính đến 18 giờ ngày 21-10, mưa lũ đã làm 112 người chết, 22 người mất tích; 371 ha lúa bị ngập; 7.126 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

★ Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 21-10, lũ lớn xuất hiện trên toàn bộ 16 tuyến sông chính tại khu vực Trung Bộ, trong đó có 5 tuyến sông lũ đã vượt mức lịch sử gồm: sông Kiến Giang (Quảng Bình); sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu (Quảng Trị); sông Bồ (Thừa Thiên Huế). Lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đang xuống. Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất và ngập lụt ở vùng núi các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mất an toàn tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

★ Tại Quảng Bình, hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh nước rút rất chậm, lũ trên sông Kiến Giang vẫn trên mức báo động 3 gần 1 m. Nhiều hộ dân còn bị ngập rất sâu, thiếu lương thực và nước uống. Tỉnh đã điều hỏa tốc toàn bộ tàu, ca-nô cứu hộ cứu nạn của quân đội, công an, bộ đội biên phòng ở các địa phương khác hành quân ngay trong đêm 20-10 vào hai huyện để cứu trợ khẩn cấp lương thực cho người dân. Ðồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng lập cầu hàng không để thiết lập mạng lưới phân phối lương thực. Tại thị xã Ba Ðồn, hiện còn khoảng 30 đến 40% số hộ dân bị ngập. Riêng xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa nằm giữa bốn bề núi đá vôi nên trở thành rốn lũ, hiện vẫn ngập chìm trong nước. Huyện Minh Hóa đã thành lập đoàn công tác cắt rừng, băng đường để cứu trợ cho người dân. Tại huyện Quảng Trạch, do ảnh hưởng của mưa lũ và triều cường dâng cao trong những ngày qua, một đoạn kè biển chắn sóng dài hơn 50 m, rộng khoảng 25 m bị sóng biển đánh sập tối 17-10, đe dọa cuộc sống và tài sản của hàng chục hộ dân xã Cảnh Dương. Huyện đã huy động lực lượng đến gia cố tạm điểm sạt lở.

★ Tại Hà Tĩnh, tính đến ngày 21-10, còn hơn 20.000 hộ dân ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh bị ngập. Một số nơi vẫn còn ngập sâu từ 0,5 đến 1,5 m. Tỉnh đã hỗ trợ người dân huyện Cẩm Xuyên 2.000 thùng mỳ tôm và 4.000 két nước đóng chai.

★ Ngày 21-10, anh Phạm Minh Chuẩn, ở tổ 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã tự nguyện vận chuyển chiếc tàu thủy của mình hoạt động trên hồ Thác Bà vào cứu giúp bà con Hà Tĩnh đang bị cô lập bởi mưa lũ. Tàu thủy này nặng 3,5 tấn, công suất 40 mã lực, trang bị nhiều dụng cụ nổi, phao cứu sinh, có thể chở được 30 người trên sông nước.

★ Theo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, mực nước hồ Kẻ Gỗ đang xuống nhanh nên điều tiết xả tràn đã được giảm mạnh. Công ty đã giảm lưu lượng nước qua tràn từ 500 m3/giây xuống còn 300 m3/giây lúc 10 giờ sáng 21-10.

★ Ngày 21-10, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện đường từ Tiểu khu 67 lên thủy điện Rào Trăng 4 (huyện Phong Ðiền) đã thông. Ðoạn từ thủy điện Rào Trăng 4 lên thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Ðiền) đã thông khoảng 7 km. Như vậy, còn khoảng 3 km đường chưa được thông. Các lực lượng cứu nạn đang nỗ lực tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

★ Ngày 21-10, tỉnh Cà Mau ký quyết định ban bố tình huống sạt lở khẩn cấp bờ iển Tây trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời, với chiều dài năm đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng là hơn 5.800 m.

★ Tại Vĩnh Long, triều cường dâng cao đã khiến hơn 2.500 căn nhà bị ngập nền, nhiều tuyến đường giao thông ngập.

★ Liên tiếp trong mấy ngày qua (từ ngày 14 đến 21 -10), tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu, triều cường dâng cao đã làm ngập cục bộ nhiều nơi, nhất là tại một số tuyến đường chính nội ô TP Bạc Liêu, một số huyện ven biển như Ðông Hải, Hòa Bình; một số xã, phường ven biển thuộc TP Bạc Liêu. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài đã làm ngập úng, đổ ngã hoàn toàn gần 20.000 ha lúa thu đông.

★ Ngày 21-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6, số 7 nên nhiều nơi trong tỉnh có mưa lớn, kèm dông, lốc, sóng to và triều cường dâng cao làm thiệt hại nhiều tài sản.Theo đó, tổng số nhà bị thiệt hại và ảnh hưởng là 8.318 căn, trong đó chủ yếu là ngập nước và tốc mái. Ngoài ra, có 115 điểm trường bị ngập nước, ba phương tiện đánh bắt bị thiệt hại. Về đường giao thông nông thôn có hơn 92 km bị ảnh hưởng, hơn 7.628 ha lúa, rau màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng; hơn 2.818 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập bờ vuông nuôi và 2.420 m bờ biển bị sạt lở.

★ Ngày 21-10, tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, lực lượng chức năng đã tìm thấy hai nạn nhân bị mất tích do lật ghe. Trước đó, vào chiều tối 19-10, chiếc ghe chở 5 người đi đốn dừa nước và hái bần trên rạch Cái Quao, khu phố 3, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam đã bị chìm do triều cường, nước chảy xiết. Ba người đã được cứu, trong đó có một người bị thương nặng.

★ Tuyến đường độc đạo Sao Bọng- Ðăng Hà nối hai tỉnh Bình Phước và Lâm Ðồng bị sạt lở, trượt lún nghiêm trọng do mưa lớn. Hiện tất cả các phương tiện giao thông có tải trọng từ 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ ngồi đều không được phép lưu thông qua vị trí sạt lở này.

★ Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã phát động ủng hộ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền trung bị lũ lụt, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Công an tỉnh Nam Ðịnh góp ít nhất mỗi người một ngày lương ủng hộ đồng bào miền trung, số tiền ủng hộ dự kiến khoảng 1,2 tỷ đồng. UBND tỉnh Ðồng Nai tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung với số tiền quyên góp được gần 3,6 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn đến 25,8 triệu thuê bao để ứng phó với bão và mưa lũ. Các chi nhánh Ngân hàng Agribank trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ủng hộ 400 triệu đồng tới đồng bào vùng lũ. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ) và các công ty thành viên đã tổ chức quyên góp hỗ trợ bà con miền trung. Tổng giá trị hỗ trợ đợt một là 200 triệu đồng. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã quyên góp 10 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào miền trung. Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 21-10, các nhà hảo tâm, đơn vị, tổ chức thông qua Ban Cứu trợ tỉnh đã đăng ký ủng hộ người dân vùng lũ hơn 10 tỷ đồng.

★ Ngày 21-10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận một tỷ đồng từ Tập đoàn Vàng bạc Ðá quý DOJI hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt trong tỉnh từ các đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng.

★ Tại huyện Cao Lãnh (tỉnh Ðồng Tháp), đông đảo học sinh Trường THPT Cao Lãnh 1 và người dân địa phương cùng nhau góp công, góp sức, hiện vật để gói 10 nghìn đòn bánh tét gửi đến đồng bào miền trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Theo đó, từ ngày 20 đến 22-10, hơn sáu tấn quà và 10 nghìn đòn bánh tét sẽ được các tổ chức, cá nhân chuyển đến miền trung.

★ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ủng hộ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, TKV cũng trích 300 triệu đồng hỗ trợ cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Than điện Nông Sơn - đơn vị trực thuộc Tập đoàn đứng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

★ Sáng 21-10, Tổng công ty Ðiện lực Hà Nội phát động ủng hộ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả thiên tai, quyên góp được gần một tỷ đồng.

PV và CTV

Thành ủy Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung

Chiều 21-10, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Thành ủy Hà Nội và các đảng ủy Khối trực thuộc Thành ủy, đã tham gia quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong hai ngày 20 và 21-10, Ủy ban MTTQ thành phố đã tiếp nhận ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương và cá nhân hơn 22 tỷ đồng. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương, cán bộ và nhân dân Thủ đô chủ động kêu gọi, ủng hộ đồng bào miền trung với nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức chuyến đi từ thiện, gói bánh chưng, ủng hộ hàng hóa, máy lọc nước...

Cùng ngày, Thành ủy Hà Nội ban hành Công văn số 02-CV/TU kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành thành phố, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống "Tương thân, tương ái", tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước"; tiếp tục chung tay ủng hộ đồng bào miền trung bị thiệt hại do bão lũ gây ra, góp phần giúp nhân dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Cứu hộ thành công hai ngư dân gặp nạn trên sông Soài Rạp

Rạng sáng 21-10, Trạm Kiểm soát Biên phòng An Thới Ðông - Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng Hiệp Phước, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh đã cứu hộ thành công hai ngư dân gặp nạn đang bị trôi dạt trên sông Soài Rạp thuộc địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Ðó là các ông Nguyễn Văn Hưởng (48 tuổi, trú tại Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre) và Nguyễn Ðăng Khoa (44 tuổi, trú tại Hòa Thạch, Tam Bình, Vĩnh Long). Trước đó, khoảng 2 giờ 30 phút, tàu gỗ của hai ngư dân nói trên đang lưu thông từ hướng miền Tây về thành phố thì bị bục nước, chìm dần.