Chống tái lấn chiếm sau đền bù dự án cụm cảng hàng không quốc tế Long Thành

NDO -

NDĐT - Trong buổi thảo luận tại hội trường sáng 13-11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những băn khoăn, lo lắng về tình trạng tái lấn chiếm sau khi giải tỏa đất để xây dựng dự án cụm cảng hàng không quốc tế Long Thành, dẫn đến tình trạng đội tiền đền bù lên rất nhiều.

Chống tái lấn chiếm sau đền bù dự án cụm cảng hàng không quốc tế Long Thành

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, việc làm thế nào chống tái lấn chiếm đất đai là vấn đề rất quan trọng: “Từ khi bắt đầu chủ trương giải phóng mặt bằng đã có rất nhiều hộ "nhảy dù", và chúng ta đã phải đền bù cho cả những hộ lấn chiếm và tái lấn chiếm. Số tiền đền bù giải phóng mặt bằng vì thế bị đội lên rất nhiều. Tòa án ở Long Thành không thể đủ năng lực để phân xử những vấn đề chung quanh việc đền bù cho cả người có đất phải giải tỏa và người "nhảy dù" được.

Đại biểu Đặng Thuần Phong cũng nêu chung nỗi lo này: “Tiến độ giải phóng mặt bằng mà không khẩn trương sẽ có phát sinh. Chỉ qua một đêm là sẽ có thêm nhưng cây trồng mới, chuồng trại, nấm mồ mới… Giá đền bù thì nếu chúng ta trả theo giá thị trường mà không áp giá bình quân, sẽ tăng lên rất nhiều”… Các đại biểu đề nghị đưa vào nghị quyết phương hướng xử lý rõ ràng và cụ thể đối với các trường hợp tái lấn chiếm để căn cứ vào đó mà giải quyết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, khi giải phóng mặt bằng xong cần giao về cho tỉnh quản lý, đồng thời có sự giám sát chặt chẽ đối với việc quản lý đó, để góp phần tránh tái lấn chiếm.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) còn băn khoăn với tình trạng giá đất đối với đất quy hoạch khu tái định cư tăng từng ngày, giai đoạn đầu đã đền bù xong, vậy giai đoạn sau đền bù theo giá của giai đoạn đầu hay theo giá thị trường, điều này cũng phải tính và quy định rõ ràng.

Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, đại biểu Hoàng Văn Cường đề cập đến khả năng hình thành một “thành phố sân bay” với các loại hình dịch vụ thương mại phục vụ cho sân bay, trong khi đó quy hoạch khu nghĩa trang với diện tích rất lớn (20ha) và rất gần sân bay. Đại biểu chia sẻ: “Cần rút kinh nghiệm từ nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội, diện tích tuy không lớn nhưng lại là cản trở rất lớn cho thu hút đầu tư phát triển thành phố Hà Nội về phía nam”.

Chống tái lấn chiếm sau đền bù dự án cụm cảng hàng không quốc tế Long Thành ảnh 1

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào báo cáo.

Các đại biểu cũng chia sẻ những băn khoăn về những điều chưa hợp lý trong chính sách đền bù. Chẳng hạn ở các khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn, diện tích trung bình mỗi lô đất liền kề cho hộ tái định cư là từ 80-200m2 và từ 200-300m2 không phù hợp với sử dụng nông nghiệp, và cũng không phù hợp với khả năng chi trả của hầu hết hộ dân tái định cư.

Về an sinh xã hội và sinh kế cho người dân, nhiều đại biểu quan tâm đến công tác dạy nghề và bố trí việc làm - những điều chưa được đề cập đến trong báo cáo, đồng thời đề nghị Chính phủ cân nhắc không nên "cào bằng" hỗ trợ giữa người làm việc trực tiếp tại địa phương và người không lao động, làm việc trực tiếp tại địa phương.

Về nguồn vốn cho dự án, vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau tranh luận. Trong báo cáo, dự kiến nguồn vốn và cơ cấu vốn gồm ngân sách trung ương: 21.889 tỷ đồng (chiếm 95% TMĐT Dự án), ngân sách trung ương ứng: 1.160 tỷ đồng (chiếm 5% TMĐT Dự án), UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách trung ương theo quy định. Như vậy, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ hai về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thông qua, Dự án cần tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng.

Một số đại biểu đề nghị lấy từ số tiền phân bổ cho các dự án trọng điểm quốc gia là 8 nghìn tỷ đồng, với khoảng 80 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng 55 nghìn tỷ đồng cho dự án đường cao tốc bắc - nam trong giai đoạn đầu, sẽ có khoảng từ 10-15 nghìn tỷ đồng cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Một số đại biểu lại đề nghị sử dụng nguồn vốn từ quỹ đầu tư trung hạn.

Cả hai phương án này, theo đại biểu Nguyễn Thị Lưu Mai (Hà Nội) đều bộc lộ những điểm chưa ổn. Bà Mai cho rằng, các dự án giao thông trọng điểm đều là những dự án quan trọng, nhiều trong số đó đang chậm trễ và gây bức xúc trong xã hội, còn nguồn vốn đầu tư trung hạn thì đều đã có kế hoạch, và Quốc hội cũng đã ra những nghị quyết về đầu tư công dài hạn, trung hạn…

Phát biểu giải trình kết thúc buổi thảo luận, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, dự án này phải qua rất nhiều giai đoạn, và ở mỗi giai đoạn đều phải báo cáo với Quốc hội, đều có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, của nhân dân…