Chăm lo đời sống công nhân các khu công nghiệp

Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành quy hoạch phát triển 13 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 56 doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN trên địa bàn. Ðến nay, có 49 doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từng bước hoạt động hiệu quả, chăm lo tốt đời sống của công nhân lao động trong KCN, không để xảy ra các tranh chấp về lao động và bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động là người địa phương và các tỉnh lân cận.

Sản xuất nến tại Công ty TNHH một thành viên Nến nghệ thuật AIDI Việt Nam (Khu công nghiệp Cái Lân, Quảng Ninh).
Sản xuất nến tại Công ty TNHH một thành viên Nến nghệ thuật AIDI Việt Nam (Khu công nghiệp Cái Lân, Quảng Ninh).

Nâng cao đời sống người lao động

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh trên đà phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính ngày càng hiệu quả cùng với các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, đã đưa Quảng Ninh từng bước trở thành một cực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ khu vực phía bắc, được nhiều doanh nghiệp và người lao động tìm đến.

Song song với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh", giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên, khoáng sản, có tác động lớn đến môi trường, thúc đẩy các ngành có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các cơ chế, chính sách sáng tạo, phù hợp để thu hút các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đầu tư vào các KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Các KCN ngày càng phát triển đã thu hút hàng trăm nghìn công nhân đến làm việc và để giữ chân người lao động, bên cạnh bảo đảm chế độ về tiền lương, thu nhập, các doanh nghiệp cũng từng bước quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, động viên họ yên tâm lao động, gắn bó với doanh nghiệp.

Huyện Hải Hà hiện có 251 doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư hơn 31 nghìn tỷ đồng với gần 13 nghìn lao động. Ðến nay, KCN Cảng biển Hải Hà có 10 công đoàn cơ sở với hơn 9.000 đoàn viên. Xác định thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động và cũng là công cụ rất quan trọng của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Liên đoàn Lao động huyện Hải Hà đã phối hợp chặt chẽ công đoàn cơ sở các công ty trong KCN triển khai hiệu quả nội dung này thông qua các thỏa ước lao động tập thể. Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) huyện Hải Hà Nguyễn Thị Xuân cho biết, các bản thỏa ước lao động tập thể có nhiều nội dung thiết thực, có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn cho người lao động so với quy định, phù hợp khả năng, điều kiện của doanh nghiệp và tập trung vào các điều khoản cơ bản như: tiền lương tối thiểu cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định với mức lương bình quân hiện nay; tiền thưởng tháng lương thứ 13, giá trị bữa ăn ca từ 17 nghìn đồng trở lên, các nội dung hiếu, hỷ, trợ cấp khó khăn, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, tham quan nghỉ mát...

Thí dụ như Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Ðạt đã ký thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động như: hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền xăng xe mức 300 nghìn đồng/tháng; công nhân làm việc tại công ty từ tháng thứ bảy trở đi đều được hưởng phụ cấp thâm niên mức từ 25 nghìn đến 600 nghìn đồng/người/tháng. Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà cũng hỗ trợ tiền nhà trọ, xăng xe 300 nghìn đồng/tháng; bố trí xe ô-tô đưa đón công nhân miễn phí từ khu nhà trọ bên ngoài vào công ty làm việc; các chế độ tiền ăn ca, hỗ trợ xe đưa đón công nhân về quê đón Tết, lương thưởng trả đúng ngày, bảo hiểm xã hội được đóng đầy đủ. Anh Trần Ðình Quyết, Trưởng Công đoạn sản xuất, Công ty TNHH KHKT Texhong Liên hợp Việt Nam cho biết: "Công ty rất quan tâm cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động. Vào dịp ngày nghỉ lễ, Tết đều có các chế độ thưởng, trợ cấp khó khăn, tặng quà động viên công nhân lao động kịp thời, vì vậy chúng tôi yên tâm, gắn bó với công ty, thi đua lao động sản xuất".

Cùng với đó, các doanh nghiệp này còn rất quan tâm tới lao động nữ nói riêng, với nhiều chính sách ưu tiên chế độ thai sản, đồng thời đang tích cực hoàn thiện phòng trữ sữa dành cho phụ nữ nuôi con nhỏ. Thông qua các bản thỏa ước, người sử dụng lao động đã thể hiện sự quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, tạo sự tin tưởng, gắn bó của người lao động với doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động. Về phía doanh nghiệp thấy được ý nghĩa quan trọng của thỏa ước lao động tập thể cho nên đã chú trọng tới việc thương lượng. Chị Vương Thị Mai, công nhân phân xưởng kiểm nghiệm, Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang Việt Nam chia sẻ: "Mặc dù, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp và người lao động phải nghỉ việc, giãn việc, lương, thưởng bị cắt giảm, nhưng công ty cố gắng bảo đảm đủ việc làm và cho chúng tôi hưởng đầy đủ mọi chế độ, chính sách theo quy định".

Trong 5 năm trở lại đây, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thăm hỏi, trợ cấp cho hơn 5 nghìn lượt công nhân lao động khó khăn trong các KCN; tổ chức trợ cấp, tặng quà Tết trực tiếp cho công nhân lao động khó khăn; tặng vé xe về quê ăn Tết; tổ chức bốc thăm trúng thưởng với nhiều mặt hàng có giá trị; tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian; các gian hàng giảm giá cho đoàn viên tổ chức "Tháng Công nhân", "Tết sum vầy", các hoạt động chăm lo cho con em công nhân lao động nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, được triển khai ở tất cả KCN và khu kinh tế.

Xây dựng thiết chế văn hóa cho người lao động

Cùng với việc bảo đảm các chế độ chính sách, cải thiện điều kiện làm việc, công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động trong các KCN cũng được công đoàn các cấp quan tâm và triển khai hiệu quả. LÐLÐ tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa thể thao theo hướng ngày càng thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong các KCN tổ chức các giải thể thao, hội diễn, hội thi văn hóa truyền thống. Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Chi nhánh Quảng Ninh ở KCN Ðông Mai, các doanh nghiệp trong KCN Cảng biển Hải Hà cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho công nhân lao động như: Giải bóng đá, hội thi nấu ăn, chương trình văn nghệ, hoạt động Cụm văn hóa thể thao công nhân lao động. Các doanh nghiệp này luôn cố gắng để mỗi người lao động cảm nhận, gắn bó với doanh nghiệp như là ngôi nhà của họ; tạo thêm niềm vui, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó, cùng thi đua lao động, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn vẫn chưa thật sự quan tâm đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, việc thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao đang là một hạn chế khiến người lao động mất đi cơ hội vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe sau mỗi giờ làm việc. Nhiều công nhân lao động ngoài thời gian làm việc chỉ lướt web, vào Facebook, Zalo theo dõi thông tin bạn bè để lấp đầy thời gian nhàn rỗi.

Phó Chủ tịch LÐLÐ thành phố Hạ Long Nguyễn Việt Bắc cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là các đơn vị chủ quản hoặc doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN, khu kinh tế chưa thật sự dành sự quan tâm, kinh phí tương xứng, thậm chí một số đơn vị dù đã được tỉnh, địa phương dành quỹ đất hoặc chấp thuận chủ trương xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, công trình cộng đồng phục vụ công nhân, song chưa tích cực triển khai. Thí dụ như KCN Việt Hưng dù đã được tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, trong đó có hạng mục thiết chế văn hóa thể thao tổng hợp từ năm 2017, tuy nhiên đến nay chưa khởi công. KCN Cảng biển Hải Hà dù được phê duyệt quỹ đất dành cho công trình văn hóa nhưng nhiều năm qua chưa triển khai. Các KCN, khu kinh tế còn lại, mặc dù nhu cầu về các công trình phục vụ hoạt động tập luyện, thi đấu, biểu diễn văn hóa, thể thao là rất lớn song đến nay gần như chưa được nhà đầu tư hạ tầng đáp ứng. Anh Hà Tử Văn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Dệt may Weitai - KCN Việt Hưng chia sẻ: "Cùng với việc quan tâm đầu tư các công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân thì chúng tôi mong muốn tỉnh Quảng Ninh và các ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ dành quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở, nhà trẻ cho công nhân trong các KCN và điều này sẽ giúp họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp".

Ðể chăm lo thiết chế văn hóa tinh thần cho công nhân trong các KCN, tỉnh Quảng Ninh luôn đặt ra yêu cầu phát triển nhà ở cho công nhân, các công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng xã hội gắn với quy hoạch phát triển khu công nghiệp. Ðồng thời chú trọng công tác quản lý, sử dụng quỹ đất nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động có thu nhập thấp ổn định an cư. Tỉnh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó chú trọng quy hoạch thiết chế văn hóa thể thao trong KCN trên địa bàn. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là các cấp công đoàn luôn đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, công nhân lao động tích cực tham gia xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động. Ðến nay, 70% số doanh nghiệp trong KCN đạt chuẩn văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Công nhân lao động trong các KCN đều được tiếp cận với pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; gần 82% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã xây dựng nội quy lao động, 61% số doanh nghiệp thương lượng thỏa ước lao động tập thể theo quy định.

Với mục tiêu đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất trong công nhân lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên phối hợp LÐLÐ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phát động đăng ký thi đua tại các doanh nghiệp trong KCN; thông qua các phong trào thi đua nhằm tôn vinh doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc về xây dựng đời sống văn hóa và tôn vinh doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Sự phối hợp này góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tại các doanh nghiệp trong KCN ngày càng đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực. Một số doanh nghiệp điển hình trong việc xây dựng đời sống văn hóa thể thao cho công nhân lao động là Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty Xay lúa mỳ VFM-Wilmar, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Ðạt, Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay của các cấp công đoàn là việc tổ chức hội nghị người lao động đã được các doanh nghiệp trong KCN quan tâm thực hiện, dần đi vào nền nếp và chất lượng hơn, nhất là các công đoàn cơ sở đã chú trọng công tác đối thoại, xây dựng thỏa ước lao động tập thể, sửa đổi bổ sung, ban hành các nội quy, quy chế, bảo đảm chế độ phúc lợi cho công nhân lao động, tạo điều kiện cho người lao động được dân chủ thảo luận, bàn bạc trước khi doanh nghiệp, đơn vị ban hành. Có thể khẳng định, quy chế dân chủ cơ sở được coi là "kim chỉ nam" để xây dựng quan hệ lao động giữa các bên ngày càng tích cực, hài hòa. Ðó cũng không chỉ là yếu tố cốt lõi để bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn góp phần tạo lập một môi trường dân chủ, sự trân trọng người lao động. Qua đó, góp phần hạn chế các vụ đình công, lãn công. Thực tế đã chứng minh, nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã không xảy ra các vụ đình công, lãn công và tạo lập niềm tin mạnh mẽ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Quảng Ninh.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Quảng Ninh Ðỗ Thị Ninh Hường cho biết: Thời gian tới, LÐLÐ tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc; phát huy quyền làm chủ của người lao động; triển khai có hiệu quả Ðề án "Phát triển quan hệ lao động tỉnh Quảng Ninh", Ðề án "Xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân lao động ở các KCN đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020", chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2030. Ðồng thời, tiếp tục đề xuất với Trung ương và tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa khi xây dựng các KCN, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có đông công nhân lao động để từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động trong các KCN.

Bài và ảnh: Quang Thọ