Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía bắc

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh trên khu vực Bắc Bộ, từ nay đến ngày 22-7 ở Bắc Bộ có mưa rào và dông; khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến từ 40 đến 80 mm/24 giờ), riêng các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm/24 giờ, có nơi hơn 150 mm/24 giờ). Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

 

Di dời các hộ dân trong khu vực sạt lở bờ sông Hậu (An Giang). Ảnh: THANH DŨNG
Di dời các hộ dân trong khu vực sạt lở bờ sông Hậu (An Giang). Ảnh: THANH DŨNG

* Ngày 20-7 khu vực các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như:

Sông Cầu (Thái Nguyên) 56 mm, Bằng Thành (Bắc Kạn) 38 mm... Dự báo, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn.

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của mưa lớn, từ ngày 21 đến 23-7, khu vực thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 4 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao, sông Chảy và các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức báo động 1.

* Ðêm 19 và sáng 20-7, tỉnh Hà Giang xảy ra mưa lớn cục bộ, gây thiệt hại về nhà ở, cây trồng và một số công trình tại huyện Quản Bạ, Vị Xuyên, Mèo Vạc và Bắc Quang. Tại xã Thái An, huyện Quản Bạ lũ ống đã cuốn theo hàng nghìn mét khối đất, đá vùi lấp một số công trình và nhà điều hành Nhà máy thủy điện Thái An. Mưa lớn cũng gây sạt lở đất, đá làm hư hỏng nhiều điểm ở tuyến đường từ xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên đến khu vực Nhà máy thủy điện Thái An.

* Ngày 20-7, một số nơi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có mưa vừa, mưa to như: Hà Quảng, Nguyên Bình, Nà Giàng, Thông Nông... Dự báo, mưa tiếp tục xảy ra với lượng mưa từ 10 đến 20 mm, có nơi hơn 60 mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Trùng Khánh.

* Những ngày qua, tại tỉnh Lai Châu có mưa vừa đến mưa to diện rộng, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét ở nhiều địa phương. Tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng ứng trực 24/24 giờ ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra; rà soát các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao để có phương án di dời đến nơi an toàn.

* Trong khi các tỉnh miền bắc có mưa diện rộng thì ở các tỉnh miền trung vẫn đang đối mặt hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Theo Tổng cục Thủy lợi cho biết, hiện nay khu vực Trung Bộ có khoảng 21.200 ha cây trồng đang bị thiếu nước và khoảng 33.500 ha không đủ nguồn nước tưới. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ có hơn 21.200 ha bị hạn hán, thiếu nước; vùng Nam Trung Bộ hiện có 25.300 ha không đủ nguồn nước tưới đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

* Ðến nay, lịch thời vụ gieo trồng vụ hè thu 2020 đã kết thúc nhưng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 12.000 ha lúa không bảo đảm nguồn nước phải dừng sản xuất. Còn tại tỉnh Ninh Thuận, do ảnh hưởng của hạn hán, dự kiến cần dừng, giãn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 10.000 đến 11.000 ha lúa. Tuy nhiên, do có nguồn nước bổ sung từ hồ chứa Thủy điện Ðơn Dương nên diện tích dừng, giãn giảm còn khoảng 4.000 ha.Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, có diện tích sản xuất đạt khoảng 15.500 ha, hiện còn khoảng 1.500 ha lúa cần tiếp tục giãn vụ.

* UBND tỉnh Nghệ An vừa chỉ đạo mở lại cửa xả hồ chứa Vực Mấu ngày 20-7, trước năm ngày so với kế hoạch để cứu lúa hè thu đang chịu ảnh hưởng của nắng nóng và hạn hán tại huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Trước đó, ngày 1-7, tỉnh cho phép đóng cửa xả hồ chứa Vực Mấu để sửa chữa cống lấy nước trước tình trạng cống bị hư hỏng nặng.

* Vụ hè thu năm 2020, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), gieo cấy 483 ha. Hiện, mực nước ở nhiều hồ nhỏ cạn kiệt, các hồ chứa lớn cũng nằm ở mực nước chết. Toàn huyện hiện có 141 ha lúa đang thiếu nước tưới và có khả năng mất trắng.

* Còn tại huyện Núi Thành (Quảng Nam), theo kế hoạch vụ hè thu 2020 gieo cấy 3.400 ha lúa nhưng mới chỉ sản xuất được hơn 2.931 ha, bỏ hoang hơn 500 ha do thiếu nước tưới. Hiện, trên địa bàn có khoảng 100 ha lúa bị chết cháy do hạn hán.

* Ngày 20-7, Cục Kiểm lâm cho biết, ở một số nơi trên địa bàn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Bình Ðịnh do nhiều ngày không có mưa, nắng nóng kéo dài, thời tiết khô hanh nên nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, Cục Kiểm lâm đề nghị các địa phương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

* Trên địa bàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vừa xảy ra nhiều điểm phát lửa trong rừng nhưng được dập tắt kịp thời nên chưa gây thiệt hại lớn. Trong đó chiều 19-7, tại khu rừng thông ở xã Vạn Trạch xảy ra cháy thực bì. Còn tại thị trấn Hoàn Lão, cũng xảy ra cháy thực bì rừng bạch đàn tái sinh. Hiện, lực lượng chức năng đang tập trung ứng trực để xử lý kịp thời các vụ cháy rừng nếu xảy ra.

* Chiều 19-7, lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế được vụ cháy rừng tại núi Hầm Vàng phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Ðà Nẵng). Trước đó, ngày 18-7, đám cháy bùng phát ở chân núi, sau đó lan dần lên đỉnh. Sau khi được dập tắt, sáng 19-7, ngọn lửa tiếp tục bùng phát trở lại, lan về phía đèo Hải Vân. Theo thống kê sơ bộ, vụ cháy gây thiệt hại khoảng 5 ha rừng trồng.

* Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Ðịnh, một số nơi tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn đang có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.

* Ngày 20-7, tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang) tiếp tục xảy ra sạt lở bờ sông Hậu với chiều dài hơn 20 m. Cùng ngày, tại tuyến đường Bắc Kênh 10, xã Vĩnh Thạnh Trung xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 30 m, sâu vào gần hết mặt đường gây gián đoạn lưu thông, ngành chức năng cảnh báo người dân hạn chế qua lại khu vực sạt lở.

* Ngày 20-7, tại thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) xảy ra sạt lở bờ sông khiến 80 m đường giao thông bị cuốn trôi. Ngoài ra, tại ấp Phú Tây, xã An Mỹ, bờ sông Rạch Mọp cũng bị sạt lở cuốn trôi hơn 30 m đường giao thông.

* Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa đồng ý hỗ trợ gần ba tỷ đồng để xử lý sạt lở tại chợ Kênh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn. Ðồng thời yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục vận động, di dời những hộ dân sống tại những khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.

* Tại tỉnh Trà Vinh, đến ngày 20-7, trên địa bàn có hơn 3.090 hộ chăn nuôi tái đàn lợn với số lượng 52.530 con, nâng tổng đàn lợn hiện có lên hơn 142.420 con, giảm so cùng kỳ năm 2019 hơn 131.800 con. Nguyên nhân, các hộ không tái đàn lợn hoặc tái đàn chậm do giá lợn giống, thức ăn tăng cao, nhiều hộ không còn vốn để tái đàn sau dịch.

Theo dự báo, hôm nay (21-7), do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp hiệu ứng phơn nên ở các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Nắng nóng ở Trung Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.