Bến Tre hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số

Nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp công nghệ số, Bến Tre có nhiều hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại hình doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, có từ 100 đến 200 doanh nghiệp; đến năm 2030 có ít nhất 500 doanh nghiệp công nghệ số.

 Thành viên Hợp tác xã bưởi da xanh Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre) sơ chế bưởi xuất khẩu theo công nghệ mới. Ảnh: CẨM TRÚC
Thành viên Hợp tác xã bưởi da xanh Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre) sơ chế bưởi xuất khẩu theo công nghệ mới. Ảnh: CẨM TRÚC

Ðể đạt mục tiêu, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin cần thiết, tạo cơ hội đầu tư, khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh có ứng dụng công nghệ số. Ðược biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 4.475 doanh nghiệp, với vốn đăng ký hơn 39.926 tỷ đồng, đóng góp khoảng 40% giá trị tổng sản phẩm (GRDP), hơn 50% tổng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động. Sự quan tâm và các giải pháp hỗ trợ của tỉnh sẽ là động lực quan trọng để các doanh nghiệp tích cực áp dụng những công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số, góp phần thay đổi phương thức hoạt động, đạt hiệu quả kinh doanh cao.

Hiện, tỉnh đã rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; xây dựng kế hoạch, giải pháp tạo lập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số. Tỉnh còn có chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp gắn với những chương trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; ưu tiên vốn tín dụng cho doanh nghiệp công nghệ số. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước; hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ; đề ra giải pháp và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số.

★ Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản, tiểu khu, Sơn La tiến hành bốn đợt sáp nhập, tổng số bản trên địa bàn tỉnh giảm từ 3.324 bản xuống còn 2.509 bản. Việc giảm số lượng bản đã góp phần tinh gọn bộ máy và giảm chi phí từ nguồn ngân sách.

Thuận Châu là huyện có số lượng bản, tiểu khu được tiến hành sáp nhập lớn nhất trong toàn tỉnh. Quá trình thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, huyện gặp không ít khó khăn như phần lớn các bản có địa bàn rộng, số hộ, số khẩu lớn, địa hình chia cắt dẫn đến khối lượng công việc nhiều… Tuy nhiên, với quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, huyện đã thực hiện tốt chủ trương này, từ 570 bản, tiểu khu sau khi sáp nhập còn 391 bản, tiểu khu. Huyện Mai Sơn cũng đã hoàn thành sáp nhập 90% số bản trong diện tinh gọn, từ 138 bản sáp nhập còn 63 bản. Số cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản trong huyện giảm hơn 900 người so với trước đây. Sau khi sáp nhập, dù nhiều bản ở vị trí xa trung tâm, địa hình chia cắt, có từ hai đến ba dân tộc khác nhau cùng chung sống nhưng với nỗ lực của cả bộ máy chính quyền và người dân, hầu hết các bản đã đi vào hoạt động nền nếp. Hằng năm, nguồn ngân sách của huyện đã tiết kiệm được đáng kể.

Với những kết quả nêu trên, Sơn La rút ra kinh nghiệm để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thực hiện được việc sáp nhập, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích rõ chủ trương của Ðảng và Nhà nước cho người dân hiểu. Quá trình triển khai thực hiện phải bảo đảm quyền lợi cho những người giữ trọng trách ở cơ sở. Việc thanh toán kịp thời các chế độ có liên quan cần được quan tâm và bảo đảm nghiêm túc.