Bất cập trong dừng hợp đồng lao động ở các cơ quan, đơn vị tại Quảng Ngãi

NDO -

NDĐT - Thực hiện chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương về tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai các đề án sắp xếp tổ chức biên chế, sáp nhập đơn vị hành chính, sự nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cách làm cứng nhắc, không đồng bộ đã lộ rõ nhiều bất cập, lúng túng. Điều này đã khiến hoạt động, điều hành tại địa phương bị trì hoãn, đình trệ.

Những bấp cập từ cơ sở sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực hành chính của tỉnh Quảng Ngãi.
Những bấp cập từ cơ sở sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực hành chính của tỉnh Quảng Ngãi.

Bất cập từ cơ sở

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2019, huyện Đức Phổ đã chấm dứt hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. 194 người lao động diện hợp đồng làm việc cơ sở giáo dục, văn hóa, sự nghiệp khác của Đức Phổ phải nghỉ việc. Đồng loạt nghỉ số lượng lớn người lao động tại các đơn vị đã làm nảy sinh nhiều vấn đề từ cơ sở.

Chị Nguyễn Thị Hoài Tâm nguyên là chuyên viên Trung tâm Truyền thông - văn hóa - thể thao (Trung tâm TT-VH-TT) huyện Đức Phổ, với nhiệm vụ quản lý 30 di sản lịch sử, di tích quốc gia, nhà lưu niệm trên địa bàn huyện, kiêm nhiệm thuyết minh, hướng dẫn các đoàn khách đến thưởng lãm, thăm viếng. Sau bảy năm, chị phải nghỉ việc vì huyện chấm dứt hợp đồng lao động. Khách du lịch thăm viếng nhiều lại không có người phụ trách nên việc phục vụ cũng bị động, không chu đáo như trước. Những ngày có đoàn khách trong nước, quốc tế đến viếng thăm Khu di tích Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và các di tích khác, lãnh đạo huyện phải nhờ chị hướng dẫn, phiên dịch.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm TT-VH-TT huyện Đức Phổ cho biết, sau khi sắp xếp, sáp nhập, 10 lao động diện hợp đồng của đơn vị nghỉ việc. Nhiều vị trí việc làm có chỉ tiêu biên chế nhưng không có viên chức nên đã xảy ra tình trạng lủng củng, lộn xộn trong công tác điều hành.

“Lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng có chỉ tiêu biên chế nhưng nhiều năm qua chỉ hợp đồng lao động nên khi sáp nhập thì không có viên chức đảm trách. Giờ có khách tham quan, chúng tôi phải năn nỉ chị Tâm hướng dẫn giúp huyện. Nhiều lần chúng tôi đề nghị thi tuyển bổ sung mà vẫn không được” - ông Sơn bức xúc.

Không chỉ lĩnh vực văn hóa mà ngành giáo dục, đơn vị sự nghiệp khác cũng rơi vào cảnh “không có người làm”. Đầu năm 2019, 76 nhân viên kế toán, y tế, văn thư, thủ quỹ đồng loạt nghỉ việc khiến hoạt động tại các trường mầm non đến THCS bị trì trệ do không có người làm. Tại Trường mầm non Phổ Cường, huyện Đức Phổ, bốn nhân viên hợp đồng kế toán, y tế, văn thư, thủ quỹ nghỉ việc khiến cô trò nhà trường cập rập, khó khăn. Không có kế toán, lương và các khoản của giáo viên chậm hơn so với trước, việc chăm sóc 230 trẻ cũng bất an khi không có nhân viên y tế.

“Theo tôi biết thì bốn vị trí giảm lại còn hai để kiêm nhiệm công việc. Bây giờ nghỉ hết, giáo viên phải tạm giữ tiền, kinh phí của trường. Chúng tôi bối rối, trẻ đến lớp mà có biểu hiện gì là chúng tôi cho về, không nhận. Không có nhân viên y tế lỡ có chuyện thì không biết làm sao” - bà Phạm Thị Xanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Phổ Cường lo lắng.

“Chúng tôi phải điều động tạm nhân sự ở các nơi về giúp những trường không có người làm. Đây chỉ là giải pháp tạm thời. Các cấp ngành phải tính toán, sắp xếp bổ sung viên chức cho ngành” - ông Phan Bường, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Đức Phổ tâm tư.

Để ổn định tình hình, huyện Đức Phổ cũng đã có văn bản kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi cho địa phương tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động trong khi chờ tuyển dụng viên chức. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp.

Mỗi nơi một kiểu

Theo văn bản số 2681/CV-TU của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, từ năm 2019 các cơ quan, đơn vị sự nghiệp chấm dứt lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn, nhiệp vụ có tính chất thường xuyên trong các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả. Để thực hiện chủ trương này, 14 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết nghỉ việc những nhân viên hợp đồng. Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị và không có phương án tuyển dụng, bổ sung các vị trí làm việc có định biên nên nảy sinh nhiều vấn đề gây khó khăn cho hoạt động tại cơ sở. Để giải quyết những bất cập, tại Quảng Ngãi mỗi nơi thực thi chủ trương một kiểu.

Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Đức Phổ cho biết, đầu năm 2019, 194 lao động nghỉ việc đồng loạt; trong khi đó, chưa sắp xếp người kiêm nhiệm, chưa tuyển dụng bổ sung biên chế đã gây xáo trộn tại cơ sở. Nhiều vị trí công việc không có người đảm đương gián đoạn điều hành của chính quyền. “Lâu nay chỉ hợp đồng chứ không tuyển dụng viên chức nên mới thiếu hụt. Biên chế thì có, nhưng không tổ chức thi, xét tuyển nên không có viên chức đảm nhận. Chúng tôi cũng cố gắng duy trì lao động hợp đồng để không ảnh hưởng công việc nhưng phía kho bạc không chi trả lương nên đành chịu. Chúng tôi đã kiến nghị xét, thi tuyển nhiều lần nhưng vẫn không được trả lời” - ông Công giải thích.

Trong khi đó tại huyện Sơn Tịnh, tình trạng thiếu hụt nhân sự lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp và nhiều chuyên ngành khác ảnh hưởng đến kết quả công việc. Để giải quyết những bất cập, địa phương này vẫn phải “gồng mình” giao cho đơn vị sự nghiệp tạm hợp đồng và tự chi trả trong nguồn ngân sách của đơn vị trong khi chờ giải quyết.

Bà Phạm Thị Hải, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Sơn Tịnh cho biết, địa phương đang nỗ lực tinh giản biên chế theo lộ trình của tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên, phát sinh nhiều bất cập ở cơ sở. “Tinh giảm nhưng không bổ sung nhân sự cho các vị trí có nhu cầu, nhất là công tác chuyên môn ở các đơn vị sự nghiệp. Chúng tôi phải tạm hợp đồng và tự chi trả trong nguồn ngân sách của đơn vị” - bà Hải băn khoăn.

Thực tế, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực đẩy mạnh tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, với mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% số biên chế hiện có. Tuy nhiên việc thực hiện cứng nhắc, rập khuôn, chưa cân bằng giữa việc sáp nhập, cắt giảm biên chế với việc tuyển viên chức bổ sung những vị trí cần thiết gây khó cho cơ sở.

“Biên chế của chúng tôi còn nhưng chưa có cơ hội tuyển viên chức. Cần phải tổ chức thi, xét tuyển để bảo đảm hoạt động điều hành của địa phương” - ông Tạ Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh kiến nghị.

Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, cơ quan đang lúng túng trong việc giải quyết những bất cập từ cơ sở. Toàn tỉnh Quảng Ngãi có nhu cầu tuyển dụng khoảng 490 viên chức, sự nghiệp khác. Từ năm 2015 đến 2017, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu, kiến nghị tỉnh tổ chức thi tuyển viên chức cho các vị trí khuyết. Tuy nhiên, do vướng các văn bản của bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu ngừng tuyển dụng để thực hiện đề án sắp xếp tổ chức, biên chế. Việc chậm trễ bổ sung vị trí khuyết khiến công việc không trôi chảy, lấn cấn tại cơ sở.

“Sau khi sáp nhập các cơ quan và dừng lao động hợp đồng thì mới nảy sinh sự thiếu hụt, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc tại địa phương. Vì vậy chúng tôi đã tham mưu và sắp tới đây sẽ tổ chức thi tuyển dụng viên chức. Việc này phải làm sớm để bảo đảm hoạt động cho cơ sở” - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm tối đa cấp trung gian, hợp nhất các cơ quan đơn vị hoạt động không hiệu quả là chủ trương, chính sách đúng hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, tinh gọn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải phù hợp với thực tế địa phương, bảo đảm hoạt động hiệu lực của bộ máy từ cơ sở để phục vụ tốt cho nhân dân. Cách làm chủ quan, cứng nhắc sẽ gây khó khăn cho cơ sở, không đạt được mục tiêu mà chính sách, chủ trương lớn đã đề ra.