Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Ăn và uống là hai vấn đề luôn gắn kết với nhau và rất quan trọng với sức khỏe con người. Ăn bao nhiêu, uống như thế nào trong những ngày nắng nóng hoàn toàn phụ thuộc vào cân nặng, tuổi và mức độ hoạt động thể lực của mỗi người.

Bữa cơm giữa ca của công nhân Công ty TNHH Nam Dược (Khu công nghiệp Hòa Xá, tỉnh Nam Ðịnh). Ảnh: TRẦN KHÁNH
Bữa cơm giữa ca của công nhân Công ty TNHH Nam Dược (Khu công nghiệp Hòa Xá, tỉnh Nam Ðịnh). Ảnh: TRẦN KHÁNH

Khi trời nắng nóng, những người làm việc ngoài trời, hoạt động thể lực với cường độ cao, làm việc nặng nhọc thì cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm thân nhiệt như: các mạch máu ngoại vi sẽ giãn nở để đào thải nhiệt lượng, tăng tiết mồ hôi và bay hơi mồ hôi để hạ nhiệt... Trong mồ hôi, thành phần chính là nước chiếm 98%, còn lại 2% là muối và sản phẩm chuyển hóa. Vì thế, cơ thể bị mất nước và các chất điện giải qua mồ hôi có nguy cơ gây ra những rối loạn sinh lý và bệnh lý do mất nước và điện giải. Khi bị mất nước và các chất điện giải, sẽ gây ra cho cơ thể các rối loạn chuyển hóa, miệng khô (khát nước), nước bọt quánh, hạ huyết áp, mạch nhanh, nếu nặng dẫn đến rối loạn thần kinh…

Nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết, chiếm tới 60 đến 70% trọng lượng cơ thể (ở trẻ em tỷ lệ này còn cao hơn). Con người có thể nhịn ăn một vài ngày, thậm chí một vài tuần nhưng không thể thiếu nước. Một người chỉ cần mất từ 5 đến 10% nước đã coi như mất nước trầm trọng và khi mất từ 15 đến 20% nước là coi hết hy vọng cứu chữa. Người trưởng thành cần 35 ml nước cho 1kg cân nặng (trung bình mỗi ngày cần 1,5 đến 2 lít). Nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống. Nhu cầu nước của cơ thể phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện sinh hoạt, mức độ lao động, tuổi. Người càng nhiều tuổi, lượng nước trong cơ thể càng ít, những người 60 đến 70 tuổi lượng nước chỉ chiếm 50% trọng lượng.

Lượng nước uống/ăn vào và thải ra hằng ngày của người trưởng thành trung bình khoảng 2.500 ml/ngày. Mùa hè, nắng nóng làm cơ thể bị mất nước gây mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon…, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Vì vậy, cần lựa chọn thực phẩm, chế biến món ăn để cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể. Nếu chế độ ăn không bảo đảm nhu cầu của cơ thể diễn ra trong khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng. Một chế độ ăn hợp lý, cân đối, đa dạng (có 15 đến 20 loại thực phẩm) sẽ giúp cơ thể phát triển, khỏe mạnh và phòng tránh các bệnh không lây nhiễm. Trong mỗi bữa ăn nên có từ bốn đến năm món ăn: món cơm, món chất đạm, món rau xanh, món canh và món hoa quả để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và nhu cầu nước cho cơ thể.

Theo khuyến nghị, với người Việt Nam, người cao tuổi có hoạt động thể lực trung bình thì nhu cầu về năng lượng là từ 1.800 đến 2.000 Kcal/người/ngày; người từ 50 đến 69 tuổi có hoạt động thể lực trung bình thì nhu cầu với nam giới là 2.300 Kcal/ngày, nữ giới là 2.000 Kcal/ngày; người từ 70 tuổi, nam giới là 2.200 Kcal/ngày, nữ giới là 1.800 Kcal/ngày. Người cao tuổi cần có một chế độ ăn mềm, dễ tiêu hóa, đủ dinh dưỡng và uống đủ nước. Người cao tuổi hay bị thiếu nước do mất cảm giác khát, cho nên cần nhớ uống nước ngay cả khi không khát. Lượng nước nên dùng là 8 ly/ngày (từ 1,5 đến 2 lít), uống làm nhiều lần, không uống quá nhiều một lúc và không uống gần bữa ăn.

Còn đối với trẻ em, việc cho các cháu ăn để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng là rất quan trọng, ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng, chế biến thức ăn lỏng, mềm để dễ tiêu hóa. Ngoài bữa ăn của trẻ, các bà mẹ cần chú ý bổ sung nước vì mùa hè nhu cầu nước của trẻ sẽ cao hơn các mùa khác. Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể trẻ còn yếu trong việc điều tiết thân nhiệt, vì vậy hạn chế cho trẻ ra ngoài trời hoặc đi chơi từ 10 đến 16 giờ hằng ngày, nhất là những ngày nắng gắt. Nếu trẻ ở trong phòng chạy máy điều hòa không khí, nên để nhiệt độ điều hòa thấp hơn nhiệt độ trong nhà từ 1 đến 2oC và chế độ gió ở mức trung bình. Khi đưa trẻ từ phòng điều hòa ra ngoài, cần tắt máy điều hòa trước, rồi mở cửa phòng khoảng 10 đến 15 phút sau mới đưa trẻ ra, như vậy trẻ sẽ không bị tiếp xúc với nhiệt độ nóng - lạnh đột ngột.

Thông thường, vào mùa hè trẻ hay mắc một số bệnh như: tiêu chảy, sốt, ho… và một trong các nguyên nhân gây bệnh cho trẻ có liên quan đến thời tiết, ăn uống. Khi nhiệt độ cao, thức ăn dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn phải các thức ăn bị ôi thiu dẫn đến nguy cơ bị bệnh tiêu chảy. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần phải lựa chọn thực phẩm tươi, thức ăn cần nấu chín hoặc đun sôi lại trước khi ăn. Thực phẩm còn lại sau mỗi bữa ăn cần bảo quản thật tốt. Mùa hè, khi cho trẻ ăn cần chú ý tới nước uống, nhất là trong khi chơi trẻ sẽ mất nước qua mồ hôi. Không nên cho trẻ uống nước mát để trong tủ lạnh, nước đá vì dễ bị viêm họng. Trong khi ngủ trẻ hay ra mồ hôi cần lau khô bằng khăn mềm để chống nhiễm lạnh.

Thời tiết quá nóng khiến con người luôn có cảm giác khô khát, việc uống nước nhằm thỏa cơn khát. Tuy nhiên, uống như thế nào để đỡ khát cũng đáng quan tâm. Khi thời tiết nắng nóng cần thường xuyên bổ sung nước, tránh để thiếu nước. Việc uống nước cũng cần từ từ, không nên uống nhiều một lúc. Khi bổ sung nước vào cơ thể quá nhiều trong một thời gian ngắn, cảm giác khát không giảm, thậm chí còn thấy khát hơn, uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. 

Lưu ý, khi khát, không nên uống nước đá, nước lạnh vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với thân nhiệt sẽ không tốt cho sức khỏe, dễ bị viêm họng, người bị sâu răng sẽ bị đau nhức, tê buốt. Nước uống phù hợp nhất là những loại nước để ở môi trường tự nhiên, phù hợp với nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, để phòng tránh tình trạng thiếu nước vào mùa hè, cần quan tâm uống đủ nước theo nhu cầu hằng ngày, đối với người cao tuổi và trẻ em, không nên để  đến khi thấy khát mới uống…

BS Nguyễn Văn Tiến

(Viện Dinh dưỡng quốc gia)