Bất cập công chứng tư

Nghiệp vụ nhân viên?

Chúng tôi có mặt tại một ngôi nhà trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) để thực hiện một giao dịch về bất động sản. Đi cùng chúng tôi là một cô nhân viên tên Thư của một VPCC. Nhìn cô gái trẻ măng, bà chủ nhà nghi ngờ: “Chị cho… xem thẻ công chứng viên, giấy giới thiệu của văn phòng nơi chị làm việc hoặc giấy ủy quyền của cơ quan…”.

Cô gái chẳng có giấy tờ gì chứng minh tư cách công chứng viên ngoài sự… bảo lãnh của những người muốn thực hiện hợp đồng. Sau một hồi nghe thuyết phục, bà chủ nhà buông một câu: “Các anh chị làm ăn thế này thì chết…”, rồi miễn cưỡng làm thủ tục.

Thư tâm sự: “Em mới ra trường. Thông thường, em chỉ việc đến nơi khách hàng yêu cầu để công chứng hợp đồng rồi làm các thủ tục cần thiết như đối chiếu thông tin cá nhân có trong hợp đồng với những giấy tờ tùy thân của khách hàng cung cấp (chứng minh thư, hộ khẩu, sổ đỏ, giấy đăng ký kết hôn…)”.

Trả lời câu hỏi của tôi: “Làm thế nào để xác định những giấy tờ mà khách hàng cung cấp không phải là giấy tờ giả ?”, cô cười “Em cứ làm đúng thủ tục. Chứ giấy tờ mà giả thì có lẽ chỉ… công an mới biết”.

Hầu hết các giao dịch ngoài giờ đều do các nhân viên các VPCC thực hiện. Sau khi làm các thủ tục, các nhân viên này sẽ có nhiệm vụ đem những văn bản này về để các công chứng viên… ký và đóng dấu. Mỗi công chứng viên sẽ kiểm tra lại thông tin mà nhân viên mình đem về. Và như vậy, bên cạnh… niềm tin đối với nhân viên, họ còn trông cậy vào sự… thật thà của hai bên giao dịch.

Vẫn trong vai của một người đi thực hiện giao dịch, cần một công chứng viên đi cùng để làm thủ tục chuyển nhượng, tôi được giới thiệu tới một công chứng viên của VPCC tại Cầu Giấy (Hà Nội). Khi hỏi về mức phí, người công chứng viên tỏ ra “bí hiểm” rằng, ngoài lệ phí thu theo quy định của Bộ Tài Chính và Bộ Tư Pháp, chi phí giao dịch còn tùy thuộc vào… thời gian thực hiện, quãng đường mà nhân viên phải đi để thực hiện thủ tục công chứng. Và tất nhiên, chi phí cho mỗi lần thực hiện giao dịch vẫn có thể… mặc cả vì chẳng có điều luật hay quy định nào ràng buộc.

Một khách hàng bức xúc khi tới một VPCC: “Tôi đến đây làm thủ tục công chứng vay tiền mà phải đóng phí công chứng tới triệu rưỡi. Cô thu ngân nói tiền này là tiền mà phòng công chứng được thu, Nhà nước quy định rồi. Thu xong, đưa tôi mỗi tờ hóa đơn mà chả có chữ ký thủ trưởng, thủ quỹ hay tên đơn vị thu gì cả…”.

Chị Lê Minh Hương, khách hàng của Văn phòng Công chứng Bến Thành (quận 1, TP Hồ Chí Minh), phàn nàn: “Ở đây, thủ tục được giải quyết nhanh chóng, 15 phút là xong, nhưng phí dịch vụ ở đây mắc hơn nhiều so với công chứng Nhà nước. Để xác nhận giấy ủy quyền nhà, đất ở phòng công chứng công chỉ tốn 40.000 đồng, trong khi phòng công chứng tư thu tới 120.000 đồng”.

Trả lời cho câu hỏi số tiền lệ phí sẽ đi đâu, mỗi cán bộ của văn phòng công chứng đều có một cách trả lời… riêng. “Số tiền chúng tôi sẽ được thu một phần còn lại nộp thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể… Hiện chúng tôi vẫn đang phải chờ”.

Trọng công hơn tư

TP Hồ Chí Minh hiện có 11 VPCC hoạt động song song cùng bảy phòng công chứng Nhà nước (PCC). Đã hai năm kể từ khi các VPCC chính thức đi vào hoạt động, nhưng đến nay, độ tin cậy của người dân vào hoạt động tổ chức công chứng chưa cao.

Vào các VPCC, điều dễ thấy nhất là phòng ốc khang trang, thái độ phục vụ của công chứng viên niềm nở, tận tình, thủ tục nhanh gọn. Nhưng người dân cho rằng công chứng tại các PCC có giá trị hơn, nhất là chứng nhận các giấy tờ giao dịch liên quan nhà đất và ngân hàng. Tâm lý “trọng công hơn tư” đã in hằn trong ý thức mọi người. Đôi khi, lỗi do dịch vụ ở VPCC thiếu chuyên nghiệp và thiếu chuẩn xác trong chứng thực văn bản lại làm tâm lý này thêm nặng nề.

Tại Phòng công chứng số 1 (TP Hồ Chí Minh), anh Mã Tấn Mỹ làm việc ở Công ty bất động sản Bình Ngọc Quý, cho biết: “Dù mất thời gian lâu hơn để chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà đất có sổ đỏ, nhưng tôi vẫn lựa chọn công chứng Nhà nước”. Cũng theo anh Mỹ, có nhiều hợp đồng mua bán bất động sản giá trị cả tỷ đồng, nên khách hàng dễ gặp rủi ro nếu đi công chứng tư. Do khâu công chứng còn mắc sai sót nên có chuyện một miếng đất có hai chủ sở hữu đều có giấy tờ chứng nhận hợp lệ.

Một công chứng viên thừa nhận: “Lĩnh vực công chứng có những sai sót trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, khi công chứng tư sai sót thì dễ bị săm soi, việc bé, xé to dễ làm mất lòng tin cho người dân”.

Cơ chế “trói” VPCC

Theo các công chứng viên, sở dĩ VPCC chưa thu hút được đông đảo người dân là vì những trở ngại trong quy định pháp luật. Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. Dù luật rõ ràng nhưng những văn bản, thông tư của Bộ Tư pháp hoặc liên bộ hướng dẫn trình tự, hệ thống biểu mẫu công chứng vẫn theo biểu mẫu cũ, không phù hợp luật mới. Hiện nay, các VPCC đều dựa vào những biểu mẫu này để chế ra những biểu mẫu theo luật mới cho nên không thống nhất.

Ông Phạm Xuân Thọ, Trưởng phòng công chứng Trung Tâm (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Hệ thống biểu mẫu hiện nay vừa thiếu lại không thống nhất, vì thế, các VPCC rất cần một cơ quan thống nhất các loại biểu mẫu giúp việc công chứng thuận tiện và chuẩn xác”.

Theo quy định, việc công chứng phải bám sát các thủ tục hành chính nhưng thủ tục hiện nay theo cơ chế cũ, không còn phù hợp. Chẳng hạn, công chứng yêu cầu hồ sơ phải đủ bộ gồm giấy CMND, giấy kết hôn, tình trạng hôn nhân, hộ khẩu và nhiều loại giấy tờ khác. Nếu công chứng yêu cầu các loại văn bản nào cũng phải đáp ứng đầy đủ thì rất khó cho người dân.

Ông Phan Văn Cheo, Văn phòng Công chứng Sài Gòn nêu thực tế: “Hoạt động công chứng chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu chung. Mới chỉ có chương trình ngăn chặn dữ liệu của Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh. Vì thế, các VPCC không thể xác định tài sản đã giao dịch chưa. Nếu kẻ xấu dùng giấy tờ giả đã công chứng bán tài sản gì đó thì người mua bị thiệt”.

Cũng theo ông Cheo, hoạt động công chứng do các văn phòng tự biên, tự diễn dẫn đến không thống nhất cách hiểu trong việc ký xác nhận. Vì thế cách làm, cách suy nghĩ của công chứng viên có phần chệch choạc, mỗi nơi mỗi kiểu. Ông Cheo mong muốn sớm thành lập Hiệp hội công chứng giúp các đơn vị công chứng có tiếng nói riêng, các công chứng viên có cơ hội trao đổi chuyên môn và có sự thống nhất một số công việc chung.