Thúc đẩy quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với khu vực Trung Đông - châu Phi

Dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn và làm gián đoạn các kế hoạch hợp tác song phương giữa khu vực Trung Đông - châu Phi với các nước, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh này, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Đông - châu Phi bằng những kết quả thực chất.

Các đại biểu dự lễ trao vật tư y tế của Việt Nam hỗ trợ các nước châu Phi chống Covid-19.
Các đại biểu dự lễ trao vật tư y tế của Việt Nam hỗ trợ các nước châu Phi chống Covid-19.

Quan hệ chính trị - đối ngoại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu thông qua nhiều hình thức linh hoạt, trong bối cảnh các hoạt động trao đổi đoàn bị gián đoạn. Nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai tham vấn, họp ủy ban hỗn hợp, giao lưu trực tuyến với các đối tác khu vực để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể và tìm kiếm các cơ hội mới. Các cơ chế hợp tác song phương vẫn được duy trì, như tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Mô-dăm-bích, họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ai Cập, kỳ họp lần thứ nhất Tiểu ban Hợp tác về Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ma-rốc… 

Năm 2020, ngoại giao y tế đã trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt Nam với khu vực Trung Đông - châu Phi. Việt Nam đã tích cực hỗ trợ vật tư y tế, khẩu trang cho bạn bè truyền thống châu Phi như An-giê-ri, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la...; chủ động chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh và đẩy mạnh hợp tác y tế trong trao đổi ở các cấp. Điều này đã được các nước Trung Đông - châu Phi đánh giá cao; đồng thời góp phần đề cao hình ảnh Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và có trách nhiệm với bạn bè khu vực. Việc Việt Nam triển khai một bệnh viện dã chiến cấp 2 và cử các sĩ quan tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Xu-đăng và CH Trung Phi, đã đóng góp thiết thực vào những nỗ lực kiến tạo hòa bình chung tại khu vực. Hơn nữa, việc thúc đẩy bổ nhiệm Lãnh sự danh dự của Mô-dăm-bích và Ma-rốc tại Việt Nam và Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại I-xra-en cũng góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với một số nước khu vực.
 
Kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với khu vực tiếp tục đạt được nhiều kết quả thực chất. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song kim ngạch thương mại của Việt Nam với khu vực năm 2020 dự kiến vẫn đạt 17,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cà-phê, thủy sản, hàng điện tử gia dụng… đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường khu vực. Các bộ, ngành của Việt Nam đã chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường, đối tác mới, tiềm năng và tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực Trung Đông - châu Phi, toàn cầu thông qua nhiều sáng kiến, hoạt động như diễn đàn Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam, Hội thảo Franconomics Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh… 

Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy, xây dựng, hoàn thiện và ký kết các khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương với khu vực. Nổi bật là việc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và I-xra-en; hoàn tất đàm phán và thủ tục phê duyệt nội dung Hiệp định khung hợp tác với Cốt Đi-voa; thiết lập cơ chế hợp tác cấp bộ về môi trường và biến đổi khí hậu giữa Việt Nam và UAE…; thúc đẩy xây dựng, ký kết các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. 

Về lĩnh vực năng lượng, chủ yếu là dầu khí, các dự án hợp tác của Việt Nam với các đối tác ở khu vực, nhất là với An-giê-ri, A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE)… đang được triển khai tích cực. Về văn hóa, Đại sứ quán Việt Nam ở một số nước khu vực đã tổ chức các sự kiện văn hóa thu hút người dân sở tại tham dự; đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam. Việc tiếp tục triển khai các dự án đầu tư viễn thông của Việt Nam trong năm 2020 sang một số nước châu Phi đã góp phần giúp người dân tại khu vực tăng cường tiếp cận các dịch vụ viễn thông và mở rộng cơ hội kết nối số trong khu vực và giữa khu vực với toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam đã tích cực vận động các đối tác tiềm năng của khu vực hỗ trợ về ODA. Năm 2020, Quỹ A-rập Xê-út đã ký Hiệp định cho vay 20,3 triệu USD với dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho các huyện nghèo tỉnh Yên Bái. 

Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, trong đó có LHQ. Việt Nam luôn đồng hành cùng nhiều nước Trung Đông - châu Phi trong việc bảo vệ những giá trị cốt lõi vì hòa bình và phát triển, đề cao luật pháp quốc tế và tham gia giải quyết những vấn đề liên quan tại khu vực. Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đóng vai trò cầu nối tích cực giữa ASEAN với một số nước, tổ chức tại khu vực như Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên minh châu Phi (AU), đồng thời thúc đẩy Nam Phi ký văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông - Nam Á (TAC). Nhiều nước tại khu vực đã đánh giá cao, chúc mừng Việt Nam đảm nhận thành công vai trò kép trong năm 2020; bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ trong năm tới và khẳng định phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và LHQ, nhằm bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh thiết lập quan hệ chính thức với AU và thúc đẩy thiết lập cơ chế đối thoại với các nước GCC, nhằm mở rộng hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức khu vực quan trọng. 

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tin tưởng lẫn nhau và cùng khát vọng về độc lập, phát triển bền vững, thịnh vượng, các kết quả hợp tác những năm qua cùng với tiềm năng to lớn giữa hai bên sẽ giúp Việt Nam và Trung Đông - châu Phi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện, đưa quan hệ giữa hai bên không ngừng mở rộng, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

ĐẶNG MINH KHÔI

Thứ trưởng Ngoại giao