Nga đề ra quan điểm thống nhất về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

NDO -

NDĐT - Báo chí Nga ngày 30-5 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc họp trực tuyến với các Ủy viên thường trực Hội đồng An ninh quốc gia, nhằm thảo luận và đề ra quan điểm cuối cùng của Moscow về việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.

Tổng thống V. Putin họp trực tuyến với các Ủy viên thường trực Hội đồng An ninh quốc gia Nga
Tổng thống V. Putin họp trực tuyến với các Ủy viên thường trực Hội đồng An ninh quốc gia Nga

Tại cuộc họp này, Tổng thống Putin cùng giới chức an ninh Nga cũng thảo luận về số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START, còn gọi là START-3), sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021, nếu văn bản này không được phía Mỹ nhất trí gia hạn.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Putin nhấn mạnh ông triệu tập cuộc họp này nhằm thảo luận một số vấn đề về an ninh nội bộ và chương trình nghị sự quốc tế. Theo ông, giới chức an ninh Nga phải đề ra quan điểm thống nhất về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Trong khi đó, Hiệp ước START-3 trên thực tế cũng sắp hết hiệu lực, mà chưa có một cuộc thảo luận nghiêm túc nào về việc gia hạn văn bản vốn được coi là nền tảng bảo đảm an ninh khu vực và quốc tế.

Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Hiện có thể đã là quá muộn để bắt đầu các cuộc thảo luận nghiêm túc về tầm quan trọng của vấn đề này, không chỉ đối với nước Nga mà là với cả thế giới”.

Tham gia cuộc họp, theo thông báo trước đó trên trang web chính thức của Điện Kremlin, có Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matvienko và Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Dmitry Medvedev, Chánh Văn phòng Điện Kremlin Anton Vaino, Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokolsev, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại (SVR) Sergei Naryshkin và Đại diện đặc biệt của Tổng thống Bảo vệ Môi trường, Sinh thái và Giao thông Vận tải, ông Sergei Ivanov.

Trước đó, ngày 21-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington có ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, và sau đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo khẳng định bằng văn bản về việc quyết định của Mỹ sẽ có hiệu lực sau sáu tháng kể từ ngày 22-5. Giải thích về quyết định của mình, phía Mỹ cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận được ký giữa 34 quốc gia thành viên tham gia Hiệp ước Bầu trời mở, khi từ chối cho phép Mỹ tiến hành các chuyến bay quan sát phi vũ trang qua một số không phận của Nga. Moscow đã bác bỏ những cáo buộc này.

Ngày 22-5, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo nêu rõ lập trường của Moscow sẵn sàng đối thoại với Mỹ về Hiệp ước Bầu trời mở, song chỉ trên cơ sở bình đẳng, có tính tới mối quan tâm của nhau. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở làm dấy lên nghi ngờ về tính nhất quán trong chính sách của Washington, gây quan ngại ngay cả trong các đồng minh của Mỹ. Phía Nga cũng cho biết đã luôn chuẩn bị “kế hoạch B”, sau thực tế cho thấy đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đơn phương rút khỏi các thoả ước quốc tế.

Hiệp ước Bầu trời mở đa phương, được ký năm 1992 tại Helsinki (Phần Lan), bởi đại diện 23 quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, có hiệu lực sau đó mười năm. Đến nay, đã có 34 quốc gia tham gia hiệp ước, theo đó các quốc gia thành viên được phép công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự của nhau.

Đây cũng là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rút khỏi, kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 1-2017. Trước đó, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988.

Trong cả ba trường hợp, Tổng thống Trump đều cáo buộc bên còn lại vi phạm các quy định của thỏa thuận. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ hiện cũng để ngỏ khả năng chấm dứt START-3, ký với Nga năm 2010, sẽ hết hiệu lực vào ngày 5-2-2021, trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận tiếp theo trong thời gian không quá năm năm, tức là cho đến năm 2026, theo thỏa thuận chung của các bên.