Bê-la-rút nỗ lực ổn định tình hình

Theo Roi-tơ và TTXVN, trong cuộc điện đàm ngày 27-8, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp và người đồng cấp Bê-la-rút V.Ma-cây nhấn mạnh cần thiết sớm ổn định tình hình ở Bê-la-rút thông qua đối thoại quốc gia.

Các quan chức EU thảo luận tình hình ở Ðông Ðịa Trung Hải. Ảnh PARIKIAKI
Các quan chức EU thảo luận tình hình ở Ðông Ðịa Trung Hải. Ảnh PARIKIAKI

Hai bên khẳng định quan điểm phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào tiến trình chính trị nội bộ Bê-la-rút. Trước đó, Tổng thống Nga V.Pu-tin kêu gọi chính quyền Bê-la-rút và phe đối lập cùng nhau tìm giải pháp hòa bình giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

★ Bộ Ngoại giao Bê-la-rút triệu Ðại biện lâm thời Ba Lan tới phản đối các động thái của Ba Lan can thiệp công việc nội bộ Bê-la-rút. Theo Bộ Ngoại giao Bê-la-rút, một số chính trị gia và quan chức Ba Lan có những phát biểu “không thân thiện và không thể chấp nhận được”.

★ Bộ Ngoại giao U-crai-na thông báo, nước này đình chỉ liên lạc với Bê-la-rút và cùng với EU lên án cuộc bầu cử ở Bê-la-rút. U-crai-na cảnh báo sẽ quyết định việc áp đặt trừng phạt Bê-la-rút, sau khi xem xét các biện pháp của EU.

★ Các bộ trưởng ngoại giao Liên hiệp châu Âu (EU) đang thảo luận các biện pháp trừng phạt Bê-la-rút nhằm gây sức ép buộc Tổng thống A.Lu-ca-sen-cô tổ chức cuộc bầu cử mới. Các biện pháp đang được cân nhắc gồm cấm đi lại và phong tỏa tài sản của các quan chức Bê-la-rút.

★ Trong khi đó, ngày 27-8, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kéo dài hoạt động thăm dò khí đốt ở Ðông Ðịa Trung Hải thêm năm ngày, theo đó tàu Oruc Reis cùng các tàu chiến của nước này tiếp tục ở Ðông Ðịa Trung Hải đến ngày 1-9 tới. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tiến hành tập trận tại vùng biển ở đông bắc Ðịa Trung Hải.

★ Cùng ngày, sau cuộc họp với những người đồng cấp các nước EU ở Béc-lin, Bộ trưởng Ngoại giao Ðức H.Ma-át nhấn mạnh, cần một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Béc-lin khẳng định, điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán là chấm dứt các cuộc tập trận ở Ðông Ðịa Trung Hải.

★ Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc cho biết, NATO sẽ tìm cách tránh nguy cơ xảy ra các sự cố hải quân ở Ðông Ðịa Trung Hải. Tổng Thư ký NATO cũng kêu gọi hỗ trợ nỗ lực ngoại giao của Ðức nhằm làm dịu căng thẳng hiện nay liên quan các nguồn năng lượng trong khu vực này.

★ Quốc hội Hy Lạp thông qua một hiệp ước phân định biên giới trên biển giữa  Hy Lạp và Ai Cập. Trước đó, hai nước đã ký thỏa thuận phân định hàng hải nhằm thiết lập Khu kinh tế đặc biệt (EEZ) để khai thác tiềm năng tại Ðông Ðịa Trung Hải. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối thỏa thuận này, cho đây là hành động vi phạm thềm lục địa của Thổ Nhĩ Kỳ.