Vì sao xảy ra lộn xộn một số nơi ở Tây Nguyên?

Vì sao xảy ra lộn xộn một số nơi ở Tây Nguyên?


* Thưa ông, ông có thường xuyên nhận được thông tin từ phái đoàn của MTTQ hiện đang ở Tây Nguyên không?  

- Có. Thường xuyên. Tôi cũng vừa rời Tây Nguyên tháng trước.

* Một số hãng thông tấn nước ngoài đưa tin là trong cuộc gây rối nghiêm trọng vừa qua ở Tây Nguyên “có tới 400 người Thượng bị giết và bị ném xuống sông". Có đúng như vậy không, thưa ông? 

- Đó là một thông tin cố ý bịa đặt trắng trợn và có ý đồ xấu. Chỉ có hai người trong số những người cố ý gây rối trật tự công cộng bị chết do chính họ ném đá vào nhau. Ngoài ra, còn có vài chục người bị thương trong các cuộc ẩu đả lẫn nhau.   

* Thưa ông, nguyên nhân của các vụ mất ổn định một số nơi ở Tây Nguyên vừa qua là do đâu? 

- Tôi phải khẳng định ngay là đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề Tây Nguyên là hoàn toàn đúng đắn. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã có những chủ trương, chính sách như các chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình 135, Nghị quyết TƯ IX về 7 vấn đề dân tộc là hoàn toàn chính xác. Các Nghị quyết đó nhằm đưa Tây Nguyên trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Nhờ đó nhiều sản phẩm như cao-su, cà-phê, hạt tiêu... đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu đem lại lợi nhuận lớn. Cơ sở hạ tầng, điện, công nghiệp, giao thông ngày càng được phát triển. Bệnh xá, trường học được xây dựng ngày càng nhiều. Con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đều được học hành... Như vậy có thể nói sự đầu tư của Đảng và Nhà nước cho Tây Nguyên, quê hương của anh hùng Núp, quê hương của địa bàn Cách mạng chiến lược là hoàn toàn đúng hướng. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, mặc dù chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, nhưng khi chúng ta thực hiện thì còn nhiều bất cập. Chính sách tốt nhưng chúng ta thực hiện chưa đồng đều. Ở nhiều nơi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, nếu không muốn nói là rất thấp. Tỷ lệ nghèo đói vẫn còn tới 17% (trước là 50%), chủ yếu là rơi vào một số xã khó khăn. Ở những nơi này đồng bào nghèo và trình độ học vấn còn thấp. Việc phổ biến khoa học- kỹ thuật cho bà con nông dân trong trồng trọt và chăn nuôi chưa được làm tốt. Chưa quan tâm đúng mức đến chính sách đất đai cho đồng bào. Việc cho phép hình thành các nông-lâm trường trước đây và trang trại ngày nay là cần thiết, nhưng lẽ ra sau đó chúng ta phải gấp rút giải quyết tình trạng đồng bào thiếu đất sản xuất. Tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chưa được phát huy. “Hãy dạy tiếng dân tộc cho cán bộ người Kinh và dạy tiếng Kinh cho người dân tộc" - chủ trương đó chưa được thực hiện tốt. Chúng ta in những ấn phẩm đẹp, nhưng đồng bào không biết tiếng Kinh nên chính sách, đường lối của Đảng không tới được với dân. Tôi là Chủ tịch MTTQ Việt Nam, xuống gặp Chủ tịch xã mà cũng phải có phiên dịch thì buồn quá. Ngoài ra cũng còn không ít những cán bộ quan liêu, xa rời dân, không biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Vì vậy khi mâu thuẫn phát sinh đã không kịp thời giải quyết. Đây chính là kẽ hở để cho các thế lực thù địch xộc vào gây lộn xộn, mất ổn định.  

* Như vậy có nghĩa là còn có nguyên nhân khách quan? 

- Lực lượng Phun Rô chưa hết gốc. Các thế lực phản động người Việt ở nước ngoài vẫn chưa hết tham vọng quay về phá rối công cuộc đổi mới của chúng ta. Thế lực thù địch ngoại quốc vẫn không từ bỏ dã tâm chống phá thành quả cách mạng, chống phá sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hóa của Việt Nam. Chúng lợi dụng chiêu bài dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để kích động đồng bào ta gây ra chuyện bạo động như vừa rồi.   

Bà Ro Cham H'Deo đang trò chuyện, vận động thanh niên
làng Klu, xã Ia Tiêm, huyện Chu Se sáng 12-4.

* Những vụ lộn xộn ở Tây Nguyên vừa qua chỉ là gây rối trật tự công cộng bình thường hay là những cuộc gây rối nghiêm trọng có tổ chức, thưa ông? 

- Kẻ thù muốn chia rẽ khối đoàn kết của dân tộc Việt Nam nên đã làm mọi cách để gây rối. Cũng như vụ việc xảy ra năm 2001, đây lại là cuộc gây rối nghiêm trọng: có ngọn cờ, có thủ lĩnh, có yêu sách, có chỉ đạo rõ ràng. Những thế lực này muốn thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị". Âm mưu này không thể là của đồng bào ta mà là của các thế lực phản động. Bản chất đồng bào Tây Nguyên là yêu nước. Tây Nguyên là căn cứ cách mạng để giải phóng miền nam. Đồng bào Tây Nguyên cùng với nhân dân cả nước đã hy sinh biết bao xương máu mới giành được độc lập và tự do. Vì vậy họ không dễ gì để mất cái quyền thiêng liêng đó vào tay các thế lực thù địch.  

* Vậy, theo ông chúng ta phải giải quyết vấn đề này như thế nào? 

- Với nhân dân phải coi đây là vấn đề nội bộ, chứ không thể coi đây là mâu thuẫn địch - ta được. Một số người bị kẻ xấu xúi dục, kích động và vì vậy họ nhất thời ngộ nhận, nghe kẻ xấu mà hành động sai trái. Hãy nói rõ để đồng bào hiểu: chính quyền còn nhiều thiếu sót, kẻ địch cố tình phá hoại sự nghiệp đổi mới và đoàn kết dân tộc, một số người dân có sai lầm nghe theo, nhưng đây không phải là quan hệ mâu thuẫn địch - ta.  

* Tình hình này có ảnh hưởng đến bầu cử HĐND các cấp không, thưa ông? 

- Nếu không giải quyết tốt thì một số xã sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc bầu cử HĐND 3 cấp. Tuy nhiên nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ là những ảnh hưởng một số nơi mà thôi. Phải làm thế nào để đồng bào hiểu đất nước này là của chung nhân dân, trong đó có họ. Đất nước này có một phần xương máu của họ đã hy sinh để giành lấy từ tay kẻ thù của dân tộc.

* Mấy hôm nay, có một số phương tiện truyền thông nước ngoài nói rằng có thể những người  tham gia gây rối sẽ bị trừng trị? 

- Ngay hôm sự việc xảy ra, chúng ta cũng chỉ cảnh cáo nhắc nhở những người tham gia và giải quyết cho họ về, nhưng bọn đầu sỏ cố ý gây rối, phá hoại, nếu có đầy đủ chứng cớ, thì theo tôi, dứt khoát phải trừng trị. Đất nước nào cũng cần có trật tự, kỷ cương phép nước.   

* Vừa qua, cũng có sự phàn nàn từ một số phái đoàn ngoại giao, các cơ quan báo chí nước ngoài rằng họ đã không được tự do ra vào Tây Nguyên trong những ngày  xảy lộn xộn. Vậy sắp tới chúng ta có cho họ tới Tây Nguyên không, thưa ông? 

- Chúng ta chưa bao giờ cấm bất cứ ai tới Tây Nguyên. Vừa qua chúng ta không và chưa cho họ tới đó là vì muốn bảo vệ an toàn thân thể cho họ. Ở đó đang có những vụ việc lộn xộn, nếu họ tới đó sẽ bất lợi. Đối với những người thiện chí, khi đang lộn xộn như thế, họ cũng không nên đến vì không có lợi. Còn đã không thiện chí, chỉ chờ sơ hở để xỏ xiên thì đừng đến. Tôi hỏi các anh, các chị, ví dụ nhà người ta có việc rắc rối, mình đến làm gì? Nếu đến để có ý đồ xấu, cố ý xuyên tạc thì càng không được. Nếu quan tâm thì phải hỏi han, chia sẻ, góp ý, giúp đỡ thì mới là thiện chí chứ. Tại sao họ chỉ tập trung vào những vùng chúng ta đang có sự việc khó khăn, sơ hở để xuyên tạc. Nên nhớ rằng chúng ta rất tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác, không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ ai, nhưng chúng ta cũng có quyền yêu cầu người khác đối xử như vậy với chúng ta. Đó là đạo lý cần hiểu đúng, làm đúng. 

* Xin cảm ơn ông!