Ngày làm việc thứ năm, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Trình Quốc hội bốn dự án Luật

Ngày 24-10, Quốc hội (QH) sang ngày làm việc thứ năm theo hình thức trực tuyến. 

Đại biểu QH tỉnh Đắk Nông phát biểu ý kiến. Ảnh: VÕ NAM
Đại biểu QH tỉnh Đắk Nông phát biểu ý kiến. Ảnh: VÕ NAM

Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường

QH đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật, đa số các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo  xây dựng dự án Luật theo hướng chú trọng hơn những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước, đời sống sinh hoạt của người dân.

Đối với một số phương án cụ thể trong dự án Luật được Chính phủ trình QH, nhiều đại biểu có ý kiến khác nhau. Cụ thể, về đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại Điều 30, dự án Luật đưa ra hai phương án: thứ nhất, các dự án đầu tư công đều phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, kể cả dự án với quy mô nhỏ, không có cấu phần xây dựng; thứ hai, chỉ có các dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (nhóm I) mới cần đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường đều nhất trí với phương án hai. Đây đồng thời cũng là phương án được nhiều đại biểu đồng tình. Tuy nhiên, một số đại biểu tán thành với phương án một, bởi ngay cả các dự án thuộc nhóm II hoặc III cũng đều có thể tác động xấu đến môi trường, như: nước thải, khí thải, xói mòn đất, ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên rừng... cần đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng hơn. Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) và một số đại biểu khác đề nghị xác định rõ hơn các tiêu chí để phân loại dự án theo bốn mức độ tác động đến môi trường: nguy cơ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ. Từ đó, bảo đảm tính thống nhất trong đánh giá sơ bộ tác động môi trường, cấp giấy phép, đăng ký môi trường. 

Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ quan tâm đến quy định “gộp” một loại giấy phép môi trường thay cho bảy loại giấy tờ thủ tục hành chính hiện nay, cho rằng đây là sự nỗ lực mạnh mẽ của ngành tài nguyên và môi trường trong cải cách thủ tục hành chính. Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, quy định như nêu trên sẽ khắc phục được nhiều bất cập, giảm phiền hà cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính nói chung, thực hiện thủ tục hành chính liên quan xin cấp phép xả nước thải nói riêng. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần lưu ý xây dựng, thiết kế dự án Luật theo hướng tương đồng hơn, tránh phân chia nhiều quy định thành hai phương án riêng biệt, kéo theo nhiều điều khoản cũng phải “tách đôi” gây cảm giác như hai dự án Luật khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ “gây khó” cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần bổ sung những quy định cụ thể hơn về quy trình cấp giấy phép gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, ưu tiên hậu kiểm nhằm bảo đảm thống nhất trong triển khai, giúp dự án Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống. 

Tăng cường hiệu quả phòng, chống ma túy

Buổi chiều, QH nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Tờ trình nêu rõ, thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… Do vậy, đã ảnh hưởng hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh. Báo cáo thẩm tra cho rằng, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với một số dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Cư trú và một số luật khác. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần cung cấp thêm thông tin giải trình sự khác nhau về thời hạn quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi và dưới 18 tuổi; cân nhắc bổ sung các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy… Nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp cưỡng chế trong trường hợp người được yêu cầu xét nghiệm không chấp hành xét nghiệm trong thời gian được quản lý tại cộng đồng.

Cũng trong phiên làm việc chiều qua, QH nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.  

Xây dựng lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LLGGHBLHQ), đa số đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành nghị quyết này nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) tham gia LLGGHBLHQ thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng thế giới, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của LLVTND trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Về đối tượng tham gia LLGGHBLHQ, các đại biểu QH Tô Văn Tám (Kon Tum), Lý Tiết Hạnh (Bình Định) có ý kiến, theo Liên hợp quốc xác định, LLGGHDLHQ gồm người lính, cảnh sát dân sự và người dân thường khác. Trong khi đó, công an, cảnh sát (là những đối tượng tham gia LLGGHBLHQ) của nước ta thuộc  LLVTND, cho nên Ban soạn thảo cần làm rõ thêm nội dung này. Bên cạnh đó, ngoài LLVTND có thể xem xét mở rộng đối tượng tham gia LLGGHBLHQ, những đối tượng mở rộng này sẽ được đào tạo theo chuẩn của Liên hợp quốc để sẵn sàng tham gia khi có yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, đây là lĩnh vực mới mẻ, cần có nghiên cứu, bước đi thận trọng, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc tham gia LLGGHBLHQ của lực lượng dân sự cần tiếp tục nghiên cứu. Đồng thời, cần có đánh giá tổng kết về tình hình tham gia LLGGHBLHQ từ trước đến nay của Việt Nam, để các đại biểu QH nắm rõ hơn. Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn về thẩm quyền quyết định cử, điều chỉnh, rút lực lượng trên cơ sở quan hệ pháp luật giữa Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh với Chính phủ.