Trao vật tư y tế của Quốc hội Việt Nam tặng nghị viện một số nước

Chiều 28-5, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao vật tư y tế của Quốc hội Việt Nam tặng nghị viện một số nước châu Phi, Trung Đông (gồm An-giê-ri, I-ran, Mô-dăm-bích, Pa-le-xtin, Nam Phi) và Hội Chữ thập đỏ Ấn Độ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, trong quá trình ứng phó đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu từ nhiều quốc gia bạn bè, cộng đồng quốc tế. Với tinh thần hợp tác quốc tế, nhằm chia sẻ một phần khó khăn với nghị viện các nước châu Phi, Trung Đông và nhân dân các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, hy vọng món quà của Quốc hội Việt Nam sẽ góp phần giúp nhân dân các nước sớm chiến thắng đại dịch.

Thay mặt đại sứ các nước nhận vật tư y tế, Đại sứ Pa-le-xtin tại Việt Nam Xa-a-đi Xa-la-ma đánh giá cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam; bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với tình cảm, sự giúp đỡ quý báu mà Quốc hội, nhân dân Việt Nam dành cho nghị viện và nhân dân các nước.

* Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có Quyết định số 643/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, tổng mức chi tối đa không quá 50% kinh phí dự phòng theo quyết định giao dự toán năm 2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đối tượng hỗ trợ gồm: Đoàn viên, NLĐ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bị mất việc, thiếu việc làm dẫn đến mất thu nhập, thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành (1.490.000 đồng/tháng), có hoàn cảnh khó khăn tại thời điểm xét hỗ trợ và không nằm trong đối tượng được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

* Ngày 28-5, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn thảo về vấn đề quản lý người xuất, nhập cảnh, tổ chức công tác cách ly đối với các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao và người thân vào Việt Nam làm việc, sinh sống, học tập; giáo viên người nước ngoài, lưu học sinh; đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước; quản lý phi hành đoàn, tổ bay quốc tế; xem xét ý kiến về việc tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế... Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, GS,TS Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức phức tạp.

Việc đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào làm việc; đưa người Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước... dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước là rất lớn. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định.

Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ các phi công, thành viên tổ bay quốc tế; quản lý chặt các khách sạn cũng như những người làm việc tại khách sạn được sử dụng để tổ chức cách ly phi hành đoàn quốc tế theo đúng quy định. Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh đến kiểm tra ngay các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có)… Thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam; chưa bàn về thời gian mở cửa du lịch trở lại. Chỉ khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế khi đáp ứng đủ điều kiện và bước đầu chỉ nên tổ chức thí điểm đón khách du lịch đến một số đảo, song song với đó phải có các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ cho người dân địa phương và du khách trong nước...

* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, tính đến 18 giờ, ngày 28-5, Việt Nam trải qua 42 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 8.869 người. Tính đến chiều 28-5, trong số người mắc Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện có tám người có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với vi-rút SARS-CoV-2; 17 người có kết quả âm tính 2 lần trở lên với vi-rút SARS-CoV-2.

* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”. Bản hướng dẫn tập trung vào một số nội dung như: Trách nhiệm của người lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động, ban quản lý ký túc xá; trách nhiệm của người làm công tác y tế tại cơ sở lao động trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thông qua bộ chỉ số, từ đó có các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng lây nhiễm dịch.

* Ngày 28-5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.

Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng, đánh giá, thời gian qua, các đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên đồng thời làm tốt công tác PCD, nhất là các quân khu 3,5,7,9 và Bộ đội Biên phòng. Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và mức độ nguy cơ để triển khai các biện pháp vừa PCD vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2020 trong trạng thái bình thường mới, kiên quyết không để dịch lây lan vào quân đội.

* Ngày 28-5, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản thống nhất miễn, giảm tiền sử dụng nước sạch trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 cho các đối tượng sử dụng nước sạch do Công ty cổ phần Cấp nước và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi cung cấp. Thời gian áp dụng miễn, giảm ba tháng liên tục (từ tháng 4 đến tháng 6-2020). Cụ thể, đối tượng được miễn toàn bộ 100% tiền sử dụng nước sạch đối với các cơ sở được dùng làm nơi cách ly tập trung của TP Đà Nẵng; hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn được phê duyệt mà lượng nước sử dụng không quá 10 m3/tháng.

* Chiều 28-5, tại Bệnh viện dã chiến TP Sa Đéc (Đồng Tháp), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp đã trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian theo dõi cách ly tập trung đối với một công dân Lào và 114 công dân Việt Nam trở về từ Phi-li-pin. Quá trình cách ly 14 ngày tại Bệnh viện dã chiến TP Sa Đéc, các công dân được cán bộ y tế theo dõi sức khỏe hằng ngày và được bảo đảm đời sống sinh hoạt theo đúng quy định của Bộ Y tế.