Tóm tắt tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu

NDO - Hòa thượng Thích Minh Châu, thế danh Ðinh Văn Nam, pháp danh Tâm Trí, tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung, sinh ngày 20-10-1918 (Mậu Ngọ), tại làng Kim Thành (Quảng Nam); nguyên quán làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

- Chỗ ở hiện nay: Thiền viện Vạn Hạnh, 750 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

- Chức vụ hiện nay: Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh GHPGVN

- Các chức vụ đã qua:

- Nguyên Ðại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX và X

- Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN

- Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HÐTS GHPGVN

- Nguyên Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục GHPGVN TN

- Nguyên Viện trưởng Viện Ðại học Vạn Hạnh

- Nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Ðại Tạng kinh Việt Nam

- Nguyên Hiệu trưởng Trường cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở I, chùa Quán Sứ, Hà Nội

- Nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.

- Trụ trì Tổ Ðình Tường Vân, TP Huế, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh TP Hồ Chí Minh.

Ðã được Nhà nước tặng thưởng:

- Huân chương Hồ Chí Minh

- Huân chương Ðộc lập hạng nhì

- Huân chương Ðại đoàn kết và nhiều huy chương, bằng khen và giấy khen

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương Công đức.

Quá trình hoạt động:

Năm 1946, Hòa thượng xuất gia với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết - Ðệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN tại chùa Tường Vân, Huế. Từ năm 1952 đến năm 1961, Hòa thượng du học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Phật học với đề tài "So sánh tạng Pali Trung bộ kinh với tạng Hán A Hàm" tại Ðại học Phật giáo Nalanda, Ấn Ðộ.

Năm 1964, Hòa thượng trở về nước và giữ chức vụ Viện trưởng Viện Ðại học Vạn Hạnh, chuyên lo sự nghiệp giáo dục và phiên dịch Kinh tạng Pali.

Năm 1976, Hòa thượng thành lập Viện Phật học Vạn Hạnh.

Năm 1980, Hòa thượng tham gia vận động thống nhất và thành lập GHPGVN.

Năm 1981, GHPGVN được thành lập, Hòa thượng được Ðại hội suy cử giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN liên tiếp trong ba nhiệm kỳ I, II và III (1981 - 1997).

Cũng trong năm 1981, Trường cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở I tại Hà Nội được thành lập, Hòa thượng được Giáo hội cử làm Hiệu trưởng (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội).

Năm 1984, Trường cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, do Hòa thượng làm Hiệu trưởng (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1989, Hòa thượng thành lập và làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Ðại Tạng kinh Việt Nam.

Năm 1996, Trường đại học Mahachulalongkornrajvidyalaya (Thái-lan) đã phong tặng danh hiệu Tiến sĩ Phật học danh dự cho Hòa thượng để tuyên dương công đức phiên dịch năm bộ kinh Nikaya ra tiếng Việt, gồm Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya), Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) và Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya).

Tại Ðại hội Ðại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (1997-2002), Hòa thượng được Ðại hội suy tôn vào ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN liên tiếp hai nhiệm kỳ IV và V (1997-2007).

Tại Ðại hội Ðại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007-2012) toàn thể Ðại hội đã suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Tham gia công tác Quốc hội: Hòa thượng là Ðại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX, X (từ năm 1981-2002); cũng trong thời gian này Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh.

Những tác phẩm Hòa thượng đã phiên dịch, sáng tác:

 + Dịch Kinh tạng Pali: Trường Bộ kinh (2 tập), Trung Bộ kinh (3 tập), Tương Ưng bộ kinh (5 tập), Tăng Chi bộ kinh (5 tập), Tiểu bộ kinh: gồm các tập: Pháp cú, Kinh Lời vàng, Kinh Phật tự thuyết, Kinh Phật thuyết như vầy, Kinh Tập, Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ, Bổn sanh (2 tập).

+ Dịch từ Abhidhamma: Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhamma Atthasangaha).

 + Sách viết bằng tiếng Anh: 1. Hsuan T’sang, The Pilgrim and Scholar (Huyền Trang nhà Chiêm bái và học giả); 2. Fa-Hsien, The Unassuming Pilgrim (Pháp Hiển nhà Chiêm bái khiêm tốn); 3. Milindapannha And Ngasenabhikhustra - A comparative study; 4. The Chinaese Madhyama gama and The Pli Majjhima Nikaya (A comparative study) - Luận án Tiến sĩ Phật học; 5. Some Teachings Of Lord Buddha On Peace, Harmony And Humadignity.

+ Sách viết bằng tiếng Việt: Phật pháp, Ðường về xứ Phật, Những ngày và những lời dạy cuối cùng của đức Phật, Ðại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa, Sách dạy Pali, Dàn bài Kinh Trung bộ, Toát yếu Kinh Trường bộ, Toát yếu Kinh Trung bộ, Chữ Hiếu trong đạo Phật, Hành thiền, Lịch sử Ðức Phật Thích Ca, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Chánh pháp và hạnh phúc, Ðạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Những mẫu chuyện đạo, Ðức Phật nhà đại giáo dục, Ðức Phật của chúng ta, Tâm từ mở ra, khổ đau khép lại, Những gì Ðức Phật đã dạy, Hiểu và hành Chánh pháp, Chiến thắng ác ma.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu là vị cao tăng thạc đức có uy tín lớn của Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, là một trong những người đặt nền tảng cho sự nghiệp giáo dục của GHPGVN. Trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển của GHPGVN, Hòa thượng đã có nhiều công lao to lớn, đóng góp vào sự nghiệp phát triển và vững mạnh của Giáo hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, động viên tăng ni, tín đồ, phật tử trong các phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.