Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng

NDO -

NDĐT - Chiều 22-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội ( KTXH) Đại hội lần thứ XIII của Đảng chủ trì phiên họp của Tiểu ban.

Ảnh: TRẦN HẢI
Ảnh: TRẦN HẢI

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.

Đây là phiên họp thứ 5 của Tiểu ban KTXH gồm 51 thành viên nhằm đánh giá tổng thể sau một thời gian nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến để xây dựng dự thảo lần 4 Báo cáo Tổng kết Chiến lược 10 năm phát triển KTXH giai đoạn 2011-2020; Chiến lược 10 năm phát triển KTXH giai đoạn 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả phát triển KTXH năm năm giai đoạn 2016-2020 và Phương hướng giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Tiểu ban tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về các dự thảo báo cáo với tinh thần chung là phải đánh giá đúng tình hình, khách quan; phân tích sát tình hình trong nước và quốc tế, đồng thời phải thể hiện rõ trong các báo cáo về khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc ta nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển; đề ra các định hướng, giải pháp chủ yếu tạo sự phát triển đột phá trong năm và 10 năm tới, nhất là tầm nhìn đến năm 2045 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Trong quá trình xây dựng các dự thảo báo cáo, Trưởng Tiểu ban đã yêu cầu Tổ Biên tập xin ý kiến, nghiên cứu kỹ, tổng hợp kết quả nghiên cứu của 42 chuyên đề đã đặt hàng; nội dung của sáu buổi làm việc của Tiểu ban với các địa phương của sáu vùng, các buổi hội thảo, khảo sát; các ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Tiểu ban cần thảo luận, thống nhất về bảy nội dung chính, gồm: những thành tựu, điểm sáng trong năm và 10 năm qua; những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học rút ra; nhìn nhận đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế thời gian tới, cả thời cơ, thuận lợi, khó khăn; quan điểm phát triển, trong đó xác định rõ quan điểm cần thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; mục tiêu chiến lược, bao gồm mục tiêu tổng quát và cụ thể, trong đó có mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; các đột phá chiến lược, trong đó lưu ý các điểm mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa, con người và khát vọng vươn lên; phương hướng, nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, trong đó có những giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển các lĩnh vực…

Sau khi lắng nghe ý kiến các thành viên Tiểu ban, phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại phiên họp với tính bao quát, trách nhiệm, trí tuệ, có nhiều ý tưởng mới, thể hiện được ý chí khát vọng, mới sáng tạo, vươn lên; đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo báo cáo, trong đó tập trung vào làm rõ hơn các tình hình đất nước đúng thực tiễn, không “tô hồng” nhưng cũng không “bôi đen”; làm rõ những vấn đề tồn tại, những khó khăn, thách thức, nguyên nhân; cần xem xét, đưa ra những phương án ngắn gọn, xúc tích hơn.

Về bối cảnh thời gian tới, Thủ tướng lưu ý bối cảnh về biến đổi khí hậu gay gắt và tình hình Biển Đông; nhấn mạnh nội hàm phát triển nhanh và bền vững, coi đây là quan điểm xuyên suốt trong quá trình tăng trưởng. Về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, Thủ tướng đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu hoàn thiện, bảo đảm có căn cứ khoa học, thực tiễn, trong đó, làm rõ một số khái niệm. Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị làm rõ hơn động lực phát triển như: công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, chế tạo….; không chỉ chú trọng vấn đề phát triển kinh tế mà phải bảo đảm cả an ninh quốc phòng, môi trường; coi khoa học công nghệ là trung tâm của động lực phát triển…, bảo đảm nhất quán, phù hợp về định hướng phát triển.

Về tăng trưởng giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng đề nghị cân nhắc lại mức độ tăng trưởng phù hợp tình hình thực tế trong nước cũng như bối cảnh khu vực và thế giới. Nêu rõ, Tiểu ban cơ bản nhất trí với các dự thảo báo cáo Tổ Biên tập trình, Thủ tướng mong các thành viên Tiểu ban tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến hơn nữa; đề nghị, từ nay đến tháng 11, Tổ Biên tập tiếp tục làm việc với các bộ, ngành; lấy ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng; chủ động tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý; tiếp tục nghiên cứu mô hình một số nước để hoàn thiện dự thảo các báo cáo.