Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thảo luận về việc trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIPA

NDO -

NDĐT - Chiều 28- 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Toàn cảnh phiên họp 44 chiều 28-4.
Toàn cảnh phiên họp 44 chiều 28-4.

Theo Tờ trình của Chủ tịch nước, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) được chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012.

Sau khi kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định thì nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên, do đó EU đề xuất tách Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) chính là toàn bộ nội dung đã được hai bên thống nhất trước đây nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiệp định này thuộc thẩm quyền phê chuẩn của EU.

Còn với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định này phải được sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và Nghị viện các nước thành viên. Hiệp định EVFTA sau đó được hai bên thống nhất và hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký hiệp định.

Ngày 30-6-2019, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công thương Việt Nam cùng với Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania (đại diện Chủ tịch EU) và Cao ủy thương mại EU đã ký Hiệp định EVFTA. Cùng ngày, cũng tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng với Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania (đại diện Chủ tịch EU) và Cao ủy thương mại EU đã ký Hiệp định EVIPA.

Nhấn mạnh việc tổ chức đàm phán và ký kết hai hiệp định giữa Việt Nam và EU là phù hợp chủ trương và đường lối hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, qua thảo luận, nhiều đại biểu dự phiên họp phát biểu ý kiến tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn hiệp định, đồng thời đánh giá rất cao quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định là sự phối hợp trên tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và đặc biệt là sự phối hợp cơ quan Đảng, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký và phê chuẩn FTA với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19 qua các thị trường của Hiệp định CPTPP và EU.

Về chính trị, trong lúc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch AIPA năm 2020 sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Theo Tờ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA, về tác động đối với cơ chế giải quyết tranh chấp và thi hành pháp luật, các quy định của Hiệp định EVIPA được xây dựng chi tiết, có tiêu chí rõ ràng, ghi nhận quyền ban hành và thực hiện chính sách của mỗi bên, sẽ góp phần bảo đảm để các quy định của Hiệp định EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra.

Bên cạnh đó, việc thiết lập cơ chế thường trực theo Hiệp định EVIPA để giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư của một bên được đánh giá là bước tiến mới so với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp theo từng vụ việc mà Việt Nam đã thừa nhận và áp dụng theo 66 hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký kết trong gần 30 năm qua.

Qua thảo luận, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung tại Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra.

Tham gia đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số đại biểu cho rằng, Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra được các giải pháp xử lý bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh chính trị và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc áp dụng tự động hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Do đó, cần đánh giá cụ thể hơn cả tác động tích cực, tiêu cực đến các ngành và nhìn nhận lại năng lực của Việt Nam để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phát huy thế mạnh để tận dụng các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ Hiệp định, có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ hiệp định.

Về nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên nước ngoài, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định EVFTA.

Thảo luận về việc trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIPA ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận nội dung thảo luận.

Kết luận nội dung thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao với Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan chuyên môn; nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn toàn văn hai hiệp định trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục rà soát các luật có liên quan để hoàn thiện thêm; đề nghị có nghị quyết riêng của Quốc hội về điều chỉnh mối quan hệ mới này để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam. Được biết, nghị quyết này sẽ được trình tại phiên họp tháng 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.