Thái Bình nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát

* An Giang tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp

5 năm qua, Tỉnh ủy Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, tạo nhiều chuyển biến trong nhận thức cũng như ý thức giữ gìn kỷ luật, kỷ cương đối với các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên.

Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang) chuyển sang trồng mè (vừng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ĐÌNH ĐỨC
Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang) chuyển sang trồng mè (vừng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ĐÌNH ĐỨC

Cấp ủy các cấp đã xây dựng, triển khai thực hiện 3.877 cuộc kiểm tra đối với 7.829 lượt tổ chức đảng, 18.785 lượt đảng viên và tiến hành 2.321 cuộc giám sát đối với 7.445 lượt tổ chức đảng, 9.217 lượt đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát, các cấp ủy đã phát hiện, ngăn chặn vi phạm, chấn chỉnh kỷ luật đối với 384 tổ chức đảng và năm đảng viên (trong đó phải thi hành kỷ luật ba đảng viên).

Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Thái Bình sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong công tác này. Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chú trọng những lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm.

* Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh An Giang đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh chuyển đổi gần 22.600 ha trồng lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái; đồng thời thực hiện cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang cây trồng mới theo hướng chuyên canh, tăng hiệu quả kinh tế. Tỉnh cũng chuyển đổi các mô hình chăn nuôi thủy sản, gia súc nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn khoảng 7 đến 8%. Phát triển nông nghiệp đúng hướng đã góp phần nâng cao đời sống của người nông dân. So với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 49 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha, tăng 63 triệu đồng.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh An Giang xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững với mục tiêu là đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,8%/năm, thu nhập khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm. Các giải pháp trọng tâm để triển khai là: Giảm dần diện tích lúa ở những vùng canh tác không hiệu quả, trồng những loại cây mới tạo giá trị sản xuất cao hơn gắn với nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao; hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khép kín trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh.