Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đác Nông:

Tạo động lực xây dựng nông thôn mới

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết ý kiến về kết quả và giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp đất nước nêu trong báo cáo trình Đại hội XII của Đảng?

Tạo động lực xây dựng nông thôn mới

Đồng chí Ngô Thanh Danh: Tôi hoàn toàn nhất trí cao với đánh giá của Đại hội về kết quả phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước ta những năm qua. Báo cáo đã nêu rõ những kết quả chính, nổi bật; đồng thời phân tích sâu sắc những nội dung còn chưa đạt, từ đó đề ra được những giải pháp hữu hiệu, khả thi.

PV: Với tỉnh Đác Nông, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua là gì?

Đồng chí Ngô Thanh Danh: Qua 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã tạo ra diện mạo mới, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi, khởi sắc và văn minh hơn. Cơ sở hạ tầng có bước phát triển rõ rệt. Môi trường cảnh quan được cải thiện, bản sắc văn hóa được giữ gìn, dân trí được nâng cao… Tỉnh đã phát huy được những cách làm sáng tạo, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn.

PV: Qua thực tế của địa phương, để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, cần tập trung các giải pháp gì, vấn đề gì?

Đồng chí Ngô Thanh Danh: Bài học kinh nghiệm lớn rút ra sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đác Nông là, ở đâu có hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh thì ở đó có phong trào mạnh, tiềm năng lớn trong huy động nguồn lực và triển khai thực hiện tốt.

Tại Đác Nông, nhiều cấp ủy đảng đã chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để bàn bạc, thảo luận trong cấp ủy, chi bộ và xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện có kết quả. Sự phối hợp giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ngày càng cụ thể và hiệu quả, như Hội Nông dân với chương trình xóa đói giảm nghèo, Hội Phụ nữ với phong trào “năm không, ba sạch”… Nhờ đó, nhiều đơn vị, địa phương đã kịp thời khắc phục những hạn chế trong nhận thức của cán bộ và nhân dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở cũng như từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Mặt khác Trung ương và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới phù hợp với từng vùng, khu vực. Thí dụ, tiêu chí đường giao thông, y tế đối với khu vực miền núi phải khác với đồng bằng…

PV: Xin cảm ơn đồng chí.