Quảng Nam đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Hằng năm, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về: Cải cách hành chính (CCHC); kiểm soát, rà soát TTHC; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin.

Từ khi Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam đi vào hoạt động, các thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời hơn trước.
Từ khi Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam đi vào hoạt động, các thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời hơn trước.

Đáng chú ý, việc thành lập Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư (HCC&XTĐT) ở cấp tỉnh và ở một số địa phương đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; hai năm liền, chỉ số PCI Quảng Nam lọt vào tốp 10 của cả nước. Nỗ lực cải cách TTHC đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giải quyết thủ tục nhanh gọn

Một tin vui làm nức lòng người dân ở TP Tam Kỳ trong những ngày đầu năm 2018 đó là bây giờ, khi cần làm các TTHC không phải đi lòng vòng nhiều nơi, tốn thời gian mà chỉ cần đến Trung tâm Hành chính công (HCC) thành phố thì mọi việc sẽ được đội ngũ cán bộ ở đây giải quyết nhanh gọn. Nói về sự ra đời của trung tâm, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ Văn Anh Tuấn hồ hởi: Đây là trung tâm HCC cấp huyện thứ ba được thành lập tại Quảng Nam, sau TP Hội An và thị xã Điện Bàn. Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, UBND thành phố đã bố trí 20 cán bộ có năng lực chuyên môn vững vàng làm việc tại trung tâm. Bước đầu, trung tâm bố trí 18 quầy tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả trên các lĩnh vực. Và có đến gần 200 TTHC của hơn 25 lĩnh vực thuộc 14 cơ quan, đơn vị được thực hiện tại trung tâm.

Trưởng Phòng Nội vụ TP Tam Kỳ Lê Tấn Vĩnh cho biết, trước khi thành lập Trung tâm HCC, Tam Kỳ là một trong những địa phương đi đầu trong công tác cải cách TTHC. Hiện tại, các TTHC liên quan công dân, tổ chức được cải cách theo hướng đơn giản, dễ thực hiện; không gây phiền hà cho công dân. Trước đây, một số thủ tục như: đăng ký khai sinh, cấp bảo hiểm xã hội hoặc hộ khẩu thường trú cho trẻ dưới sáu tuổi, người dân phải chờ đến gần cả tháng trời, nay chỉ trong năm ngày là xong. Hay như đăng ký kinh doanh giảm từ năm ngày xuống còn một ngày; việc làm thủ tục chuyển trường và tiếp nhận học sinh giảm từ ba ngày xuống còn một ngày...

Điều đáng nói là, công tác cải cách TTHC luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam quan tâm. Tháng 4-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về đẩy mạnh công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, vào đầu năm 2017, UBND tỉnh thành lập Trung tâm HCC&XTĐT tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC.

Giám đốc Trung tâm HCC&XTĐT Quảng Nam Võ Văn Hùng cho biết, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 1.310 TTHC đưa vào tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm HCC&XTĐT tỉnh. Tất cả các TTHC đưa vào thực hiện tại trung tâm được xây dựng quy trình giải quyết bảo đảm rõ trách nhiệm, thẩm quyền và được kịp thời cập nhật, niêm yết, công khai, minh bạch. Trong năm 2017, trung tâm đã giải quyết 47.207 hồ sơ, trong đó có 97,6% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn. Đến nay, UBND tỉnh phê duyệt danh mục 801 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ban, ngành; bước đầu đã cắt giảm thời gian hơn 6.550 ngày (đạt tỷ lệ 27,3% so quy định của Trung ương).

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, thời gian qua, việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ hành chính công cho cá nhân, tổ chức đã mang lại nhiều kết quả tích cực, chất lượng giải quyết hồ sơ được cải thiện. Đáng chú ý, từ khi Trung tâm HCC&XTĐT tỉnh đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân và doanh ngiệp khi thực hiện các TTHC. Tại đây, các TTHC được hướng dẫn đầy đủ và giải quyết nhanh gọn, không mất nhiều thời gian và chi phí... Có thể nói, đây là bước đột phá trong công tác CCHC và hiện đại hóa nền hành chính; góp phần làm tăng hiệu quả làm việc trong quá trình hoạt động, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân.

Thời gian qua, Quảng Nam cũng đã rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các cơ quan chuyên môn; tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn. Trong năm 2017, tỉnh đã giải thể và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của: Ban Quản lý các khu công nghiệp Quảng Nam về Sở Công thương; Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về Sở Nội vụ; Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc về UBND thị xã Điện Bàn quản lý. Tỉnh cũng đã chuyển giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục - nghề nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; giải thể các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện; chuyển giao các: Trạm bảo vệ thực vật và trạm thú y về UBND cấp huyện quản lý.

Hiện tại, tất cả các TTHC được niêm yết công khai, minh bạch và có thể truy cập tra cứu trên hệ thống phần mềm qua in-tơ-nét, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân nắm bắt thông tin và giám sát việc giải quyết TTHC của các cơ quan liên quan. Qua kết quả khảo sát, phần lớn người dân và doanh nghiệp hài lòng với mô hình này; việc hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết TTHC từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt, thiếu đồng bộ.

Một số địa phương, sở, ngành như: Huyện Tây Giang, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo... chưa chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch về cải cách TTHC. Nhiều người dân cho rằng, việc triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” chưa đồng bộ; quy trình giải quyết một số loại hồ sơ chưa được thống nhất, thông suốt giữa các sở, ngành với UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn, cho nên dẫn đến “bỏ trống” nhiệm vụ. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông chưa cao; việc tiếp nhận, giải quyết, trả và quản lý hồ sơ chưa chặt chẽ, khoa học...

Khâu đột phá trong sự phát triển

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết, thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp chưa thật sự coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Một số mục tiêu CCHC xây dựng định tính cho nên rất khó đánh giá đúng hiệu quả và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện. Sự phối hợp giữa một số cơ quan, giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ CCHC chưa chặt chẽ, hiệu quả. Hơn nữa, nguồn lực và những điều kiện cần thiết cho CCHC còn nhiều hạn chế; hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các đơn vị, địa phương xuống cấp... Đây là những trở ngại trong việc triển khai hệ thống chính quyền điện tử và đẩy mạnh CCHC ở địa phương.

Để tháo gỡ những khó khăn trên Quảng Nam sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy. Trọng tâm là sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hoàn thiện đề án vị trí việc làm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), phục vụ tốt nhu cầu của tổ chức, công dân và doanh nghiệp.

Theo đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế gắn với đẩy mạnh cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát các quy định về TTHC theo hướng rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Tập trung xây dựng quy trình, quy chế phối hợp liên thông nhằm giải quyết các công việc liên quan trách nhiệm của các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã; tiếp tục thành lập trung tâm HCC, bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện và bộ phận một cửa hiện đại cấp xã tại những nơi có điều kiện. Triển khai phần mềm một cửa điện tử tại tất cả xã, phường, thị trấn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành làm cơ sở áp dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm thuộc sở, ngành; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều loại hình dịch vụ công. Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; tiếp tục phân cấp, ủy quyền hợp lý, rành mạch trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của tập thể, cá nhân sau phân cấp, ủy quyền. Đồng thời, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC và xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong thực thi công vụ.

Tới đây, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng và bố trí lại đội ngũ CBCCVC theo yêu cầu vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và thực hiện đồng bộ gắn với tinh giản biên chế; đổi mới phương thức tuyển dụng CBCCVC. Trước hết, là tiếp tục đổi mới nội dung, quy trình, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng hình ảnh người CBCCVC thật sự thân thiện, gần dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Không ngừng nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ; xử lý nghiêm CBCCVC có thái độ vô cảm, thiếu ý thức, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà tổ chức, người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, nhất là xây dựng hệ thống công nghệ thông tin dùng chung nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu dân cư và dịch vụ công; hoàn thành việc lắp đặt mạng; cung cấp trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho các xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu CCHC...