Nguồn nhân lực chất lượng cao: Ngoại lấn nội

Lao động có trình độ cao ở Việt Nam.
Lao động có trình độ cao ở Việt Nam.

Là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cơ hội xuất khẩu lao động tại chỗ của Việt Nam sẽ rất lớn. Tuy nhiên đây lại là một thách thức không nhỏ đối với khả năng cung ứng lao động ở nước ta, bởi sự khan hiếm nguồn nhân lực bậc cao. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải làm gì?

Ông Jonah Levey- Tổng Giám đốc Navigos Group- vietnamworks.com cho biết: "Trong quý 3-2006, nhu cầu lao động đăng ký tại vietnamworks.com  là 6.163 người, lần đầu tiên kể từ năm 2004 giảm 2,87% so với quý trước. Trong khi đó, số ứng viên đăng ký tuyển dụng lại tăng 110% so với quý 2-2006 (10.254 người). Tất cả các ngành nghề có nhu cầu cao thì cũng tăng vọt, nhiều nhất là hành chính- thư ký, kế toán- tài chính, kinh doanh, ngân hàng- đầu tư...". Mặc dù giảm nhẹ nhưng mức tăng trưởng hằng năm của chỉ số cầu vẫn ở mức khá cao: 35%. Tuy nhiên, cũng theo ông Jonah Levey, chỉ có thể đáp ứng 35-40% nhu cầu nhân sự bậc cao của các doanh nghiệp.

Hiện vietnamworks.com đang lưu giữ hồ sơ của 500.000 ứng viên. Số doanh nghiệp đặt hàng "săn" nhân sự hiện nay khoảng 6.000. Thế nhưng, giữa nhà tuyển dụng với các ứng viên vẫn còn một khoảng cách đáng kể. Có nhiều lý do, nhưng theo các chuyên viên tuyển dụng, lý do quan trọng nhất là phần lớn ứng viên tỏ ra hạn chế về khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, nặng về lý thuyết mà hạn chế về kỹ năng thực hành, thiếu tư duy độc lập có phản biện. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng này là do chương trình và phương pháp đào tạo ở bậc đại học của ta chưa phù hợp. Một điểm yếu khác của lao động quản lý người Việt là kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược còn  hạn chế.

Bước vào hội nhập, nguồn nhân lực Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài. Theo dự báo của một số chuyên gia, cuộc cạnh tranh sẽ đặc biệt gay cấn ở khu vực lao động kỹ thuật cao, các chức danh quản lý và nhân sự bậc cao - điểm yếu nhất của thị trường lao động Việt Nam hiện nay. Ðược biết, mặc dù trong các cam kết hội nhập WTO không có điều khoản quy định phải mở cửa thị trường lao động, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo các gói dịch vụ do nước ngoài cung cấp. Khả năng các doanh nghiệp trong nước thuê lao động nước ngoài vào làm việc trong một số ngành sử dụng công nghệ cao, hoặc nắm giữ các vị trí quản lý có thể sẽ trở nên phổ biến do các điều kiện, thủ tục dễ dàng, đơn giản hơn.

Trên thực tế, hiện đã có không ít doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng đang có hàng chục nghìn lao động nước ngoài thường xuyên làm việc. Chủ yếu họ đảm nhiệm những công việc, vị trí mà lao động nội địa không đủ sức cáng đáng.

Ðơn cử như tại một nhà máy gia công giày da ở Ðồng Nai,  đang sử dụng gần 20 nghìn lao động Việt Nam, nhưng tổng quỹ lương của số lao động khổng lồ này cũng chỉ bằng tổng số tiền lương mà doanh nghiệp phải trả cho khoảng 70 chuyên gia nước ngoài. Cố vấn nhân sự của nhà máy cho biết: "Nhà máy đã cố công tìm nhân sự người Việt Nam để thay thế nhằm giảm chi phí đầu vào, nhưng suốt mấy năm trời vẫn không thể tìm ra".

Ðó là tình trạng chung - có thể coi là "bất khả kháng" - trong nhiều doanh nghiệp FDI hiện nay. Ở một số dịch vụ khác như ngân hàng, y tế, tài chính, bảo hiểm... có tới 40% trong tổng số lao động có thu nhập từ 14 nghìn USD/năm trở lên là người nước ngoài. Trên mạng vietnamworks.com hiện có hàng nghìn hồ sơ đăng ký tuyển dụng của các ứng viên đến từ Mỹ, Australia, Hà Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Hồng Công... Số lượng các ứng viên nước ngoài đang có chiều hướng tăng nhanh.

Vậy, khi nhiều lao động nước ngoài tràn vào Việt Nam, một bộ phận lao động trong nước có bị mất vị trí? Các chuyên gia tuyển dụng đều cho rằng điều đó có thể sẽ xảy ra, nhưng chỉ trong một chừng mực nhất định. Theo bà Tiêu Yến Trinh, Trưởng phòng Dịch vụ nhân sự Công ty PriceWaterhouse Cooper, nếu sử dụng người quản lý nước ngoài, mức lương phải trả cao hơn từ 10- 50% so với người Việt. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã có chiến lược thay thế dần các vị trí, chức danh trước đây do người nước ngoài đảm trách bằng người Việt, với điều kiện lao động Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu của người sử dụng.

Còn bà Lê Thị Phương Phương thì nhận định: "Gia nhập WTO, tình trạng khan hiếm nhân sự cao cấp người Việt sẽ càng trầm trọng. Bởi khi người lao động có cơ hội nhiều hơn, một số không ít sẽ tìm cách thay đổi công việc với điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Vì thế, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần có chiến lược nhân sự thích hơp để giữ người tài. Bà khẳng định: "Ðiều quan trọng là các ứng viên Việt Nam phải đủ năng lực và bản lĩnh để thể hiện được mình trong công việc. Khi ấy, cơ hội vẫn còn nằm trong tay ta!".

Ở một góc độ khác, xét trên tầm vĩ mô, Nhà nước cần đề ra một chiến lược quốc gia về đào tạo phát triển nguồn nhân lực nói chung, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo lực lượng nhân sự cao cấp nhằm đáp ứng một cách đầy đủ các yêu cầu về nhân lực trong tiến trình hội nhập. Ðó là công việc vừa cấp bách, vừa mang tính cơ bản, lâu dài, với mục đích nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trên "đấu trường" khu vực và thế giới.