Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021)

Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Nâng cao năng lực nhận thức về đảng cầm quyền

Cách hiểu chính thống, đúng đắn có hàm lượng khoa học và cách mạng của chúng ta là Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng cầm quyền có nội hàm rộng thể hiện sự nghiệp, mục đích của Đảng cầm quyền là cống hiến cho dân tộc và Tổ quốc; Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nội dung, phương thức cầm quyền là tính khoa học, hạt nhân là xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Nghệ thuật của đảng cầm quyền là sinh khí đổi mới, sáng tạo. Nhiệm vụ hàng đầu, chủ yếu, xuyên suốt là tổ chức, xây dựng đất nước bằng cương lĩnh, chiến lược, định hướng chủ trương, đường lối; bằng vận động, tổ chức, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục gắn với tinh thần trách nhiệm, nêu gương của đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị; bằng kiểm tra, giám sát. Đội ngũ cán bộ, tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị vừa là biểu tượng, vừa là thước đo năng lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng cầm quyền.

Cả lý luận và thực tiễn, đảng cầm quyền phải phản ánh được những nội dung cốt tủy liên quan đến giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc; phải là một chính đảng đại biểu của dân tộc nhưng không làm nhòa tính chất tiên phong của giai cấp công nhân. Tiên phong là mũi nhọn, đi đầu, đi trước dẫn dắt nhân dân và dân tộc, không biệt phái, không đứng trên mà đứng trong đội ngũ ấy. Nói theo tinh thần của Mác là đảng phải trở thành dân tộc, đảng của dân tộc. Đảng cầm quyền phải thể hiện được sự thống nhất cao độ giữa đảng - đội tiên phong của giai cấp công nhân - với nhân dân, dân tộc và Tổ quốc. Điều này không chỉ được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng, mà còn được ghi trang trọng trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Đảng cầm quyền lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đây là một khía cạnh rất quan trọng về phương thức cầm quyền của Đảng. Tức là các tổ chức của Đảng và đảng viên phải thật sự tôn trọng, coi trọng chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội; phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không được đứng trên, đứng ngoài pháp luật.

Đảng cầm quyền, bên cạnh nhiều thuận lợi cơ bản, cũng gặp không ít thách thức, khó khăn. Đảng ta chỉ rõ trong điều kiện đảng cầm quyền phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.

Những thách thức nêu trên đã được những người cộng sản bậc thầy bàn đến từ sớm. C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã cảnh tỉnh chủ nghĩa quan liêu có thể dẫn các đảng cầm quyền đến chỗ đánh mất một lần nữa chính quyền vừa giành được, đi vào con đường tiêu vong như đã từng xảy ra đối với mọi loại hình nhà nước đã từng xuất hiện trước đó. V.I.Lê-nin nói tới ba mối đe dọa đối với chính quyền Xô-viết là bệnh kiêu ngạo cộng sản, sự dốt nát và bệnh quan liêu, xa rời quần chúng. Theo Lê-nin, một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất đối với đảng cầm quyền là tự cắt đứt mối liên hệ với quần chúng. Ông cảnh báo, những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó.

Nâng cao năng lực hành động của đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đảng ta trở thành đảng cầm quyền không chỉ bắt đầu từ sự thắng lợi của cách mạng do Đảng lãnh đạo, giành được chính quyền về tay nhân dân, mà còn do chính nhân dân có lòng tin tuyệt đối vào Đảng, đã ủy thác sự cầm quyền cho Đảng. Nhận thức đó giúp chúng ta hiểu có hàm lượng khoa học rằng nhân dân không chỉ là người làm nên những thắng lợi lịch sử mà còn ủy thác sứ mệnh cầm quyền cho Đảng. Vì vậy, toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.

Đảng phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Công tác cán bộ phải thật sự là "then chốt của then chốt". Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Theo Người, cán bộ là "cái gốc của mọi công việc", "Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc", "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Với Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất là cái chất của người cán bộ, đảng viên, thể hiện ở đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, mà cốt lõi là sự chính tâm, luôn luôn biết đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết, chống tham ô, nhũng lạm, lãng phí, quan liêu.

Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ không có đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đức phải có trước tài. Theo Người, chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng.

Lo lắng trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có chút quyền hành trong tay rất dễ hư hỏng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải kiểm soát quyền lực, trong đó kiểm soát từ dưới lên, tức là quần chúng nhân dân kiểm soát cán bộ là tốt nhất. Đồng thời, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Cán bộ, đảng viên không viết lên trán, mà phải viết trong tim chữ "cộng sản", nêu gương, nói đi đôi với làm.

Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Nhân dân là một phạm trù văn hóa chính trị được Hồ Chí Minh nói, viết và bàn đến nhiều nhất trong di sản của mình. Người khẳng định dân rất tốt, đó là một chân lý. Dân chúng trăm tai nghìn mắt, cái gì cũng nghe, cũng thấy. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Quần chúng tinh lắm, quần chúng biết phân biệt thật giả. Họ nhiều kinh nghiệm, hay so sánh, biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Người chỉ rõ trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Khi nhân dân ủng hộ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Phải đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân,...

Quan trọng nhất là từ chỗ thấu hiểu, thấu cảm quyền hành, lực lượng, trí tuệ, sức mạnh đều ở nơi dân, Hồ Chí Minh đã chuyển tải quan điểm "dân là gốc" vào mọi hoạt động thực tiễn cách mạng của mình. Quan điểm xuyên suốt của Người là phải thực hiện nguyên tắc theo đúng đường lối nhân dân, từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện vai trò của nhân dân, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tin dân, trọng dân, gần dân, học hỏi dân, hiểu dân, bàn bạc với dân, giải thích cho dân hiểu. Mọi chỉ thị, nghị quyết, khẩu hiệu, đều phải phản ánh được khát vọng của dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.

Những quan điểm nêu trên của Hồ Chí Minh được người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh trong quá trình chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì mà nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm minh các sai phạm.

Theo Hồ Chí Minh, mọi việc của Đảng cầm quyền phải xuất phát từ dân, phục vụ nhân dân, lấy hạnh phúc, niềm tin của dân làm thước đo. Cả đời Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người chỉ rõ bổn phận, trách nhiệm của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.

Cán bộ, đảng viên phải nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, để quan tâm dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ và thực hành dân vận. Chỉ có như vậy thì dân mới tin, yêu, phục Đảng. Mà có được niềm tin là có tất cả. Ngược lại, nếu cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, quan liêu mệnh lệnh, mất niềm tin cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.

Những phân tích trên cho thấy nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng vừa là khía cạnh cốt tủy trong các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vừa là mặt chủ yếu trong các quan điểm chỉ đạo tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn tới mà Đảng ta đã khẳng định trong các văn kiện Đại hội XIII, để thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường.