Long An hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Chín tháng đầu năm 2019, tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,2%, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tăng 14,9%, xuất khẩu đạt 4,46 tỷ USD, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 13.436 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Xác định năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, Tỉnh ủy Long An yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, từng đồng chí tỉnh ủy viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nêu cao trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng và Kế hoạch của Tỉnh ủy về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, hướng mạnh đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 9,8 đến 10% trong năm nay, góp phần thực hiện thắng lợi, đạt mức cao nhất Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2019 và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015- 2020.

* Vĩnh Phúc phát triển nghề khu vực nông thôn

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt, thực hiện chương trình khuyến công với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng, nhằm huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ khuyến công vùng nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất theo quy trình thân thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Từ năm 2016 đến 2018, tỉnh đã hỗ trợ hơn 7,6 tỷ đồng cho 78 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, qua đó thu hút hơn 30 tỷ đồng đầu tư từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Các dự án đi vào hoạt động đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh, từng bước có vị trí trên thị trường, giúp các cơ sở, hộ gia đình tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, học hỏi phương thức sản xuất mới. Tỉnh hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn với các nghề may mặc, thêu móc, đính cườm, đan lát, mộc mỹ nghệ… Ðồng thời, xây dựng các mô hình điểm về áp dụng sản xuất sạch, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh, mũi nhọn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ðến nay, tỉnh đã hoàn thành tiêu chí điện (tiêu chí thứ tư trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới) cơ bản bảo đảm chất lượng lưới điện để các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất.