Dự án Luật Cư trú (sửa đổi):

Khoảng 50 triệu người cần cấp ngay căn cước công dân mới

NDO -

NDĐT- Chiều 16-6, phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu đối với dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết trước mắt khoảng 50 triệu người (từ 14 tuổi trở lên) cần cấp ngay căn cước công dân mới. Bộ Công an bảo đảm trong 1 năm (đến ngày 1-7-2021) sẽ hoàn thiện việc cấp lại căn cước công dân.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. (Ảnh: Quang Hoàng)
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. (Ảnh: Quang Hoàng)

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), đa số các đại biểu QH đều tán thành với việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú như quy định của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cùng một số đại biểu cho rằng, nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Để bảo đảm tính khả thi của Luật thì đến thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ trung ương đến cơ sở.

Đồng thời, kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan cũng như với các cơ quan, tổ chức đang được giao thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 1-1-2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đến nay Cơ sở dữ liệu này vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.

Theo Báo cáo của Bộ Công an, dự kiến tháng 6-2021 sẽ đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành. Tuy vậy, qua khảo sát thực tế việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tại Bộ Công an cho thấy, một số gói thầu có liên quan mới đang trong giai đoạn đàm phán ký hợp đồng; đồng thời, kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu này cũng chưa được cấp đủ. Vì vậy, để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, cần bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu này.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cùng một số đại biểu có ý kiến, theo quy định của Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an thống nhất quản lý và cấp cho mỗi công dân Việt Nam. Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, theo tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12-2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Công an thì công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư, bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế nên quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc... Vì vậy, đề nghị cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Ngoài ra, theo ý kiến của một số đại biểu, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình (trong các lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân, như: về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…

Sau khi nghe ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Theo đó, Bộ trưởng Công an cho biết, trước mắt khoảng 50 triệu người dân (từ 14 tuổi trở lên) cần cấp ngay căn cước công dân mới, Bộ Công an bảo đảm trong 1 năm (đến 1-7-2021) sẽ hoàn thiện việc cấp lại căn cước công dân.

Về mã số định danh cá nhân, hiện đã có khoảng 80 triệu người đã được thu thập thông tin và đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu công dân. Về 167 văn bản pháp luật có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết một số nội dung sẽ hết hiệu lực thi hành sau khi sửa đổi Luật Cư trú, đồng thời một số nội dung khác Bộ Công an sẽ đề xuất với Chính phủ, Quốc hội có điều chỉnh để tạo thuận lợi cho người dân.

Dự thảo Luật cư trú: Bỏ phương thức quản lý bằng sổ hộ khẩu