Khai mạc Ðại hội Ðảng bộ các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi

Ngày 21-10, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025, chính thức khai mạc

Ðồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo Ðại hội. Cùng dự có các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Phan Ðình Trạc, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương; Quân khu 3, Quân đoàn 1; cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, cùng 339 đại biểu đại diện hơn 72.000 đảng viên trong Ðảng bộ.

Nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ, quân và dân Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, dành nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt 13 trong số 15 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế tăng trưởng khá, đạt 8,03%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 45%; nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm còn 11,7%. Thu ngân sách đạt kết quả cao. Nông nghiệp chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất đạt 135 triệu đồng/ha canh tác. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, đến nay, tỉnh có 91,4% số xã và ba huyện đạt chuẩn nông thôn mới; một thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Du lịch tiếp tục phát triển năng động, từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu…

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng biểu dương những thành tựu quan trọng mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đạt được. Ðồng chí đề nghị, Ðại hội cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm, trên cơ sở dự báo đúng tình hình và thực tiễn phát triển của đất nước, của địa phương; bám sát các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện đặc thù của tỉnh nhà, so sánh với các tỉnh đồng bằng sông Hồng để thảo luận và quyết định chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển của Ninh Bình trong thời gian tới. Ninh Bình cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hành động, nhận thức đúng đắn về những tiềm năng, thế mạnh. Từ thế mạnh và tiềm năng đó, xác định động lực phát triển, chú trọng công nghiệp phụ trợ, du lịch chất lượng cao và dịch vụ; làm thật tốt công tác quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, sâu rộng, dài hạn. Cần lưu ý yếu tố môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Trước hết là sớm xây dựng thật tốt quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng, Ninh Bình cần đặc biệt quan tâm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng, hình thành trung tâm chế biến nông sản; giữ gìn và bảo vệ thật tốt môi trường sinh thái "xanh, sạch, đẹp". Ðồng thời chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian độc đáo của vùng đất Cố đô Hoa Lư và quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ. Ðồng chí Trần Quốc Vượng tin tưởng rằng, Ninh Bình sẽ phát triển năng động, toàn diện, nhanh và bền vững; đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Ðại hội tiếp tục làm việc đến ngày 22-10.

★ Ngày 21-10, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Ðà Nẵng lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với chủ đề "Ðoàn kết, kỷ cương, nêu gương, hành động".

Ðồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo Ðại hội. Cùng dự có các đồng chí: Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Ðảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động... cùng 349 đại biểu đại diện hơn 60 nghìn đảng viên toàn Ðảng bộ thành phố.

Trong nhiệm kỳ qua, vượt qua nhiều khó khăn, Ðảng bộ và nhân dân Ðà Nẵng đã phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 7,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 95,7 triệu đồng. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội thành phố, kéo giảm GRDP giai đoạn 2015 - 2020 còn 4%/năm. Dịch vụ du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh quốc tế và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, số lượng khách du lịch tăng 10,2%/năm; doanh thu dịch vụ du lịch tăng 7,5%/năm…

Phát biểu chỉ đạo Ðại hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Ðảng bộ và nhân dân Ðà Nẵng đạt được, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị. Ðồng chí nhấn mạnh, Ðà Nẵng phải xác định công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong trong đổi mới là mục tiêu, nhiệm vụ then chốt; kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI, XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Phát huy dân chủ, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Ðảng bộ, đồng thuận trong xã hội; chú trọng công tác tư tưởng, chính trị, đạo đức; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Ðảng. Ðổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh của người dân trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách vì lợi ích phát triển thành phố. Về kinh tế, cần tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðà Nẵng phải khẳng định vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền trung - Tây Nguyên…

Ðại hội tiếp tục làm việc đến ngày 22-10.

★ Ngày 21-10, Ðảng bộ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc Ðại hội đại biểu lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025. Ðồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và chỉ đạo Ðại hội. Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Ðảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ, các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và 346 đại biểu đại diện cho hơn 54 nghìn đảng viên trong toàn Ðảng bộ.

Nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực đạt một số kết quả quan trọng. Kinh tế - xã hội có bước phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; quy mô tổng sản phẩm (GRDP) tăng bình quân 4,83%/năm. Năm 2020, GRDP của tỉnh ước đạt 82.593 tỷ đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2015. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 53,14%, dịch vụ chiếm 28,35%, nông nghiệp chiếm 18,51%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.791 USD, gấp 1,2 lần so với năm 2015. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát đạt một số kết quả tích cực...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Ðảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, để Quảng Ngãi tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và toàn diện, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền trung, cần quan tâm triển khai thực hiện bốn vấn đề cơ bản. Trong đó, triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, liên tục xây dựng Ðảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi thật sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng. Khẩn trương rà soát, bổ sung hoàn thành quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm chất lượng, làm cơ sở phân bố không gian, định hướng phát triển, khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hài hòa giữa các vùng trong tỉnh; thúc đẩy liên kết vùng với các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng duyên hải nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên để phát huy lợi thế của tỉnh và huy động các nguồn lực cho đầu tư, phát triển. Phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ngãi, tạo động lực tinh thần cho sự phát triển của địa phương. Quảng Ngãi là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, do đó, cần thường xuyên củng cố tiềm lực thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc; tổ chức, động viên ngư dân kiên trì ra khơi bám biển, khai thác tại các ngư trường truyền thống, phối hợp các lực lượng quốc phòng, chấp pháp trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ðại hội tiếp tục làm việc đến ngày 22-10.

★ Chiều 21-10, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư nhiệm kỳ 2020 - 2025 kết thúc thành công. Ðồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư dự phiên bế mạc.

Nghị quyết Ðại hội đề ra bốn nhóm chỉ tiêu về công tác xây dựng Ðảng; sáu chỉ tiêu về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; 11 nhiệm vụ, giải pháp; năm nhiệm vụ trọng tâm và bốn đột phá phát triển, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, xây dựng Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường; giữ vững vị trí then chốt của doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác; góp phần thúc đẩy kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội…

Ðại hội bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 45 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ Ðảng ủy Khối gồm 16 đồng chí; bầu Ủy ban Kiểm tra Ðảng ủy gồm 11 đồng chí. Ðồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư.

PV