Hoạt động đối ngoại

Bên lề Đại hội đồng Liên Nghị viện thế giới (IPU-141) tại Xéc-bi-a, chiều 16-10 (giờ địa phương), đồng chí TÒNG THỊ PHÓNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Xéc-bi-a M.Gôi-cô-vích.

Đồng chí Tòng Thị Phóng khẳng định Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Trung-Đông Âu, trong đó có Xéc-bi-a; cho rằng hai nước cần tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, năng lượng, văn hóa, giao lưu nhân dân, tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai Quốc hội. Đồng chí Tòng Thị Phóng cảm ơn Xéc-bi-a đã ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và mong hai nước tiếp tục hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng đóng góp vì hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Xéc-bi-a nhấn mạnh, đây là cuộc gặp mang tính lịch sử giữa lãnh đạo Quốc hội hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới.

* Cùng ngày, đồng chí Tòng Thị Phóng có cuộc tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn Ô-xtrây-li-a, Hạ nghị sĩ L.Uých. Đồng chí Tòng Thị Phóng đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a; cho rằng quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước thời gian qua có bước phát triển mới, nhất là việc thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam và Ô-xtrây-li-a. Khẳng định Việt Nam đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Ô-xtrây-li-a ở châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế, đồng chí Tòng Thị Phóng cảm ơn Ô-xtrây-li-a đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam mong muốn Ô-xtrây-li-a tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; phối hợp lập trường chặt chẽ trong vấn đề Biển Đông, góp phần bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực.

Trưởng đoàn Ô-xtrây-li-a nhất trí với đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội về quan hệ hai nước và hai Quốc hội; cho rằng việc hai bên ký quan hệ đối tác chiến lược cho thấy cam kết tăng cường hợp tác trong các vấn đề chiến lược của hai nước nói riêng và khu vực nói chung.

* Nhân dịp dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm Liên hiệp châu Âu (EU), ngày 17-10, tại Brúc-xen (Bỉ), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và EU về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA). Hiệp định này mở đường để Việt Nam có thể tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng mang tính chất nhân đạo. Các nội dung được Bộ Quốc phòng Việt Nam lựa chọn để hợp tác với EU là: thiết lập đối thoại chính sách quốc phòng với Cơ quan Hành động đối ngoại EU, đào tạo, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Ngay sau lễ ký FPA, Đại tướng Ngô Xuân Lịch hội kiến với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh P.Mô-ghê-ri-ni. Bà P.Mô-ghê-ri-ni bày tỏ, EU và các quốc gia thành viên quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây, EU kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. EU ủng hộ việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác.

* Trước đó, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã có cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban Quân sự EU, Đại tướng C.Gra-di-a-nô. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ Bộ Quốc phòng Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, nhất là đào tạo tiếng Anh và tiếng Pháp cho quân nhân Việt Nam. Bộ Quốc phòng Việt Nam sẵn sàng đón các tàu mang sứ mệnh của EU và tàu của các quốc gia thành viên EU thăm thiện chí các cảng của Việt Nam trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị Đại tướng C.Gra-di-a-nô trên cương vị của mình tạo điều kiện để Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với các quốc gia thành viên EU nói riêng và EU nói chung.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự EU bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ là cầu nối để thúc đẩy quan hệ hợp tác, trong đó có hợp tác quốc phòng, giữa EU với ASEAN nói chung cũng như các thành viên ASEAN nói riêng.

* Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga, nhận lời mời của Đại tướng, Giám đốc Cơ quan An ninh LB Nga B.Va-xi-li-ê-vích, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Đại tướng TÔ LÂM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an dẫn đầu đã tham dự Hội nghị lãnh đạo các cơ quan đặc biệt, cơ quan an ninh và thực thi pháp luật lần thứ 18, diễn ra tại LB Nga trong hai ngày 16 và 17-10.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, không gian mạng Việt Nam cũng xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức lớn tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Để đối phó hiệu quả với những thách thức về an ninh mạng, Đại tướng Tô Lâm đề nghị các quốc gia thống nhất cách hành xử trên không gian mạng dưới hình thức các nghị định thư, công ước và điều luật quốc tế; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm ứng phó sự cố và tham gia các cuộc diễn tập an ninh mạng, thành lập các nhóm tác chiến trên không gian mạng.