Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Chiều 31-7, tại Hà Nội, Hội đồng Công tác quần chúng T.Ư đã tiến hành Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2020. Đồng chí TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Công tác quần chúng T.Ư chủ trì hội nghị. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các thành viên Hội đồng Công tác quần chúng T.Ư. 

Hội nghị thống nhất đánh giá thời gian qua, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được triển khai thực hiện đã tác động tích cực tới đời sống của các tầng lớp nhân dân. Các cấp, các ngành đã cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc và khiếu nại tố cáo của  công dân; dành sự quan tâm nhiều hơn đối với các đối tượng người dân khu vực khó khăn, đặc thù, yếu thế. Cùng với những kết quả đạt được trong khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực đã tạo sự phấn khởi, tiếp tục nhận được sự ủng hộ và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Các hội quần chúng bám sát chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phát huy vai trò tích cực trong việc tập hợp, đoàn kết và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên… 

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao kết quả thực hiện công tác của Hội đồng Công tác quần chúng T.Ư trong sáu tháng qua; đồng thời chỉ rõ một số hạn chế như: Việc nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân và giải quyết, xử lý những vấn đề nảy sinh phức tạp trong xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời; phương thức hoạt động, sinh hoạt, mô hình tập hợp của các tổ chức hội quần chúng tại cơ sở gặp khó khăn do quá trình sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; sự phối hợp trong công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, xây dựng cốt cán trong tôn giáo hiệu quả chưa cao... là những nội dung cần nghiêm túc khắc phục. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị Hội đồng Công tác quần chúng T.Ư cần tiếp tục nghiên cứu, nắm chắc tình hình nhân dân, đặc biệt là tình hình trước, trong và sau đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tổ chức các diễn đàn trao đổi, đối thoại và tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân phản ánh, kiến nghị, tham mưu với Đảng, Nhà nước; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc xử lý, giải quyết và trả lời các kiến nghị của nhân dân. Hội đồng Công tác quần chúng T.Ư cần tích cực tham gia thẩm định, góp ý các đề án về công tác dân vận trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đa dạng hóa các nội dung, hình thức hoạt động; tổ chức các cuộc trao đổi chuyên đề và các cuộc họp, hội nghị tổng kết công tác cuối năm, nâng cao chất lượng tham mưu về công tác quần chúng trong tình hình mới.

* Chiều 31-7, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 - 1-8-2020), đồng chí VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tới thăm, chúc mừng Ban Tuyên giáo T.Ư. Đồng chí VÕ VĂN THƯỞNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì tiếp đoàn.

Phát biểu chúc mừng 90 năm lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo của Đảng, đồng chí Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn Ban Tuyên giáo T.Ư những năm qua luôn dành cho Đảng bộ Hà Nội sự quan tâm đặc biệt; sự hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ tận tình về công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tuyên giáo nói riêng. Nhờ đó, thành phố đã vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, đạt được thành tích toàn diện trên các lĩnh vực.

Thời gian tới, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Ban Tuyên giáo T.Ư tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ thành phố làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, trong nhân dân; đấu tranh phản bác mạnh mẽ những luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực chống phá, cơ hội, phản động.

Cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của TP Hà Nội, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, công tác tuyên giáo những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, đã nỗ lực bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy, trong đó có Đảng bộ TP Hà Nội, để hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, góp phần ổn định chính trị, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, trong những năm qua, không chỉ Ban Tuyên giáo T.Ư quan tâm, giúp đỡ thành phố, mà ngược lại, Thành ủy Hà Nội cũng đã phối hợp, giúp đỡ rất nhiều cho hoạt động của Ban Tuyên giáo T.Ư. Thời gian tới, Ban Tuyên giáo T.Ư sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và phối hợp với Thành ủy Hà Nội để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được Trung ương và nhân dân giao phó.

* Chiều 31-7, đồng chí PHẠM BÌNH MINH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La về đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sáu tháng đầu năm; kiểm tra kết quả việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công; tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan nhằm thúc đẩy nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáu tháng cuối năm 2020.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, sáu tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng trưởng, dù chỉ tăng 0,03% so cùng kỳ nhưng được đánh giá cao; thu ngân sách trên địa bàn bảy tháng qua ước đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 32% dự toán năm. Trong điều kiện khó khăn, sản xuất nông nghiệp của Sơn La vẫn xuất khẩu được các sản phẩm nông nghiệp, như: xoài, thanh long, nhãn sang Mỹ, Nga, Trung Quốc…, giá trị xuất khẩu ước đạt 65,5 triệu USD. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31-7 của tỉnh đạt 2.368,635 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch năm... 

Tại buổi làm việc, tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh cơ chế giải ngân của dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Sơn La năm 2020 từ hình thức ghi thu ghi chi sang cơ chế tài chính trong nước. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành Trung ương xem xét thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) theo hình thức đối tác công tư PPP. 

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương tỉnh Sơn La đã có nhiều cố gắng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai. So với nhiều tỉnh, Sơn La có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển nông nghiệp và du lịch. Sơn La lựa chọn phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sản phẩm có thương hiệu là rất đúng hướng. Đánh giá về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng cho rằng, Sơn La đạt được tỷ lệ vốn giải ngân khá so với nhiều tỉnh trong toàn quốc. Đây là điều kiện để Chính phủ thực hiện bổ sung vốn đầu tư công trong thời gian tới. Đồng thời, Sơn La cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh hơn nữa. Việc chỉ phát triển dựa vào thủy điện, khi ảnh hưởng thời tiết sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu… Về các đề nghị, kiến nghị của Sơn La, ngay trong quá trình làm việc đã được các bộ, ngành Trung ương phối hợp tháo gỡ, hoặc đang được trình Chính phủ. Một số vấn đề về đầu tư tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng vốn ODA, NGO, FDI sẽ tiếp tục được xem xét cụ thể.

Nhân chuyến công tác, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm, tặng quà một số cán bộ lão thành cách mạng ở khu vực thành phố Sơn La, thăm và dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

* Trước đó, ngày 30-7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc tại tỉnh Điện Biên. Mặc dù những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, song GRDP của Điện Biện vẫn tăng 0,54%, thu ngân sách tăng 55,6% và tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng 5,29% so cùng kỳ. Phó Thủ tướng khẳng định kết quả Điện Biên đạt được cho thấy tinh thần đoàn kết, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Với mong muốn Điện Biên tiếp tục phát triển hài hòa giữa mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn biên giới ổn định, hài hòa với các nước bạn, Phó Thủ tướng đề nghị Điện Biên cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2021-2025, Điện Biên cần rà soát thứ tự ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án phát triển thương mại, hạ tầng, khu kinh tế cửa khẩu và đầu tư thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh. Chỉ rõ những tiềm năng, thế mạnh của Điện Biên, như: có đường biên giáp với hai nước Lào, Trung Quốc; du lịch lịch sử là quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; tiềm năng đất đai và tài nguyên thiên nhiên phong phú, Phó Thủ tướng đề nghị Điện Biên cần quan tâm kêu gọi, thu hút đầu tư vào các nhóm tiềm năng để có thể phát triển ổn định, bền vững.

Trong chuyến công tác, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tới dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1; tặng quà cán bộ lão thành cách mạng, chiến sĩ Điện Biên Phủ; thăm, làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên.

* Sáng 31-7, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức Lễ trao tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tạp chí Lý luận của Đảng” tặng lãnh đạo hai đơn vị. Các đồng chí: Đại tướng, GS, TS TÔ LÂM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết  T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chủ trì buổi lễ.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Tô Lâm đã trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” tặng ba đồng chí lãnh đạo Tạp chí Cộng sản: PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập; PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập; Nguyễn Thị Kim Ngọc, Chánh Văn phòng Tạp chí Cộng sản. Đồng chí Đoàn Minh Huấn đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tạp chí Lý luận của Đảng” tặng đồng chí Tô Lâm.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Đoàn Minh Huấn nêu rõ: Từ năm 2016 đến nay, Bộ trưởng Tô Lâm đã có 14 bài viết công bố trên Tạp chí Cộng sản. Những bài viết này có ý nghĩa rất quan trọng vào việc bổ sung, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nói riêng trong tình hình mới. Trên cương vị Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đã có nhiều chỉ đạo quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trực thuộc, đội ngũ cán bộ hai cơ quan phối hợp công tác chặt chẽ, nhất là cập nhật, nắm bắt thông tin hoạt động của Bộ Công an để tuyên truyền chính xác, kịp thời, đúng nguyên tắc...

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, thời gian qua, Tạp chí Cộng sản luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an nhân dân trong công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch... Nhiều bài viết, báo cáo khoa học quan trọng của ngành, của các đơn vị và cá nhân trong ngành Công an đã nhận được sự góp ý hoàn thiện bản thảo, biên tập và phát hành theo quy trình hết sức nghiêm túc, chặt chẽ của các đơn vị thuộc Tạp chí Cộng sản; đồng thời đề nghị các đơn vị thuộc hai cơ quan tiếp tục phát huy những kết quả, sáng kiến nhằm đẩy mạnh việc phối hợp, đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

* Chiều 31-7, tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phó Chủ tịch nước ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng T.Ư, dự Hội nghị sơ kết thực hiện giao ước thi đua sáu tháng đầu năm 2020 của Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước đánh giá, các địa phương trong cụm Đông Nam Bộ đã thực hiện bài bản, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, lan tỏa tích cực các gương điển hình, cách làm hay trong xã hội; tổ chức khen thưởng đột xuất, khen thưởng từ cơ sở kịp thời đã tạo được sự động viên, khích lệ rất lớn trong nhân dân.  

Phó Chủ tịch nước đề nghị, trong thời gian tới, các địa phương trong cụm cần tiếp tục tập trung đôn đốc, đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo khí thế lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Các địa phương cần chủ động theo sát, hỗ trợ, động viên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để bảo đảm việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống. Đối với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, cần quan tâm, chăm sóc tới số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số…    

Phó Chủ tịch nước lưu ý, các địa phương khi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước cần đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp, phương hướng cho thời gian tới.