Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sáng 27-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng TRỊNH ĐÌNH DŨNG, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ trì phiên họp Hội đồng.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên, chuyên gia, nhà khoa học, trên cơ sở đó hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL trình Chính phủ. Nhất trí nhận định của các nhà khoa học, Phó Thủ tướng cho rằng vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đất nước. ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức do tác động của cả tự nhiên và con người, vì vậy, việc ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những tác động của tự nhiên, con người... là nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng cần phải xác định được yêu cầu về nội dung nghiên cứu để khai thác, sử dụng hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, từng địa phương; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong quá trình lập quy hoạch, cần đánh giá tổng thể, toàn diện thực trạng, cả khó khăn, thuận lợi, nhất là những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình quản lý, phát triển ĐBSCL. Quy hoạch vùng phải phù hợp các quan điểm, mục tiêu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng không bất biến, phải cập nhật thường xuyên, nghiên cứu tính kế thừa và phát triển…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quy hoạch phải thể hiện được định hướng các quy hoạch cứng (khung hạ tầng có tầm nhìn dài hạn), quy hoạch mềm (kinh tế, xã hội, các kịch bản ứng phó nước biển dâng trong từng giai đoạn), xác định được các định hướng ưu tiên của vùng, đề xuất được cơ chế quản lý phù hợp,...